Trong tuần vừa qua (từ ngày 14/02/2022 – 19/02/2022), Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản nổi bật sau đây:
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 áp dụng từ ngày 21/02/2022.
Theo đó, mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế như sau:
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.
(Hiện nay, theo Thông tư 16/2021/TT-BYT mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm).
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.
(Hiện nay, mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm).
- Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
+ Trường hợp mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng xét nghiệm.
(Hiện nay, mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).
+ Trường hợp gộp mẫu: Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định tại cột 2 mục IV Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BYT.
Như vậy, từ ngày 21/02/2022, giá test nhanh COVID-19 giảm xuống còn tối đa 78.000 đồng.
Thông tư 02/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 21/02/2022.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.
Theo đó, BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết việc tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
Khi đó, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH từ ngày 01/01/2022 như sau:
- Đối với người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống:
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh + 200.000 đồng/tháng
- Đối với người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ trên 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng:
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = 2.500.000 đồng/tháng.
Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/03/2022.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Theo đó, quy định xác định kết quả đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu như sau:
- Giá đấu hợp lệ là mức giá không thấp hơn giá khởi điểm theo quy định tại Quy chế bán đấu giá.
- Giá trúng đấu giá được xác định là mức giá hợp lệ nhà đầu tư đặt mua cao nhất.
- Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đặt mức giá cao nhất bằng nhau và không thấp hơn mức giá khởi điểm thì trong vòng tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức phiên đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu, doanh nghiệp mua bán nợ phối hợp với tổ chức đấu giá thực hiện bỏ phiếu kín trực tiếp giữa các nhà đầu tư cùng trả mức giá này để xác định nhà đầu tư có mức đặt giá cao nhất và duy nhất.
Mức giá bỏ phiếu kín là mức giá không thấp hơn mức giá đấu mà các nhà đầu tư đã trả cao nhất bằng nhau theo bước giá quy định tại Quy chế bán đấu giá. Nhà đầu tư có mức giá đặt mua cao nhất khi bỏ phiếu kín là nhà đầu tư trúng giá và sẽ được mua lô cổ phần kèm nợ phải thu.
Trường hợp khi tổ chức bỏ phiếu kín các nhà đầu tư tiếp tục trả giá bằng nhau thì tổ chức bốc thăm ngay để xác định nhà đầu tư trúng giá.
Trường hợp nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau đều từ chối bỏ phiếu kín hoặc nhà đầu tư đã xác định trúng giá nhưng từ chối mua thì xác định cuộc đấu giá không thành công để thực hiện chuyển sang phương thức chuyển nhượng khác theo quy định.
Thông tư 05/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 03/2022/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ.
Theo đó, quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với Ủy viên Bộ Chính trị (như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng,...) như sau:
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bố trí cho thuê biệt thự công vụ, đảm bảo không quá 4 tầng, có khuôn viên sân, vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, có hệ thống an ninh, bảo vệ theo quy định, trong đó:
- Diện tích đất khuôn viên từ 450 m2 đến 500 m2;
(Hiện hành, còn quy định diện tích sử dụng từ 300 m2 đến 350 m2)
- Trang bị nội thất dời bao gồm:
+ Phòng khách: 01 bộ bàn ghế và 01 kệ ti vi;
+ Phòng bếp: 01 bộ bàn ghế ăn, 01 tủ lạnh;
+ Phòng ngủ: 01 tủ quần áo, 01 giường, 01 đệm;
+ 01 bộ bàn ghế làm việc; 01 máy giặt.
(Hiện hành, đối với các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, bố trí theo quỹ nhà ở công vụ hiện có, đảm bảo điều kiện công tác và yêu cầu bảo vệ.)
- Định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho biệt thự công vụ này là 350 triệu đồng.
Quyết định 03/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/04/2022.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |