Trong tuần vừa qua (từ ngày 12/7 – 17/7/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Thuế, phí, lệ phí; Ngân hàng, tiền tệ; Xây dựng nhà ở,… Cụ thể như sau:
1. Áp dụng cấp công trình trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng
Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.
Theo đó cấp công trình quy định tại Thông tư này được áp dụng làm cơ sở để quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng đơn cử như:
- Xác định thẩm quyền khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ; thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình;
- Phân hạng năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân để cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng;
- Xác định công trình được miễn giấy phép xây dựng;
- Xác định công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;
- Xác định công trình có yêu cầu bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;…
2. Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại
Thông tư 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.
Theo Thông tư này, việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo Điều 43 Nghị định 44/2020/NĐ-CP, đơn cử như:
- Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;
- Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;
- Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;…
* Về nội dung chi:
- Các chi phí nêu trên được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
- Riêng chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế như sau:
+ Đối với người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
+ Đối với người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
3. Sửa đổi thời hạn cho vay đặc biệt với TCTD được kiểm soát đặc biệt
Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực từ ngày 27/10/2021.
Theo đó, thời hạn cho vay đặc biệt trong các trường hợp dưới đây do NHNN xem xét, quyết định nhưng dưới 12 tháng.
- NHNN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;
- Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với quỹ tín dụng nhân dân từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân khi quỹ tín dụng nhân dân có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt.
Hiện hành, quy định thời hạn cho vay đặc biệt trong các trường hợp trên do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định nhưng tối đa là 01 năm.
4. Các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.
Theo đó, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định tại Nghị định này bao gồm:
(1) Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định.
(2) Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
- Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính và có một trong các yếu tố sau: hệ thống phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng…
(3) Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ tại mục (2) nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo khoản 2 Điều 110 Luật Nhà ở.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |