Trong tuần vừa qua (từ ngày 12/4 - 17/4/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Doanh nghiệp; Giáo dục; Kế toán;… Nội dung cụ thể như sau:
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo đó, tại Nghị định này quy định, tiền lương, thù lao, tiền thưởng, điều kiện làm việc, định mức chi phí công tác và các chi phí hoạt động khác của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, tối thiểu bằng thành viên Hội đồng thành viên hoặc Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) tại doanh nghiệp; được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp.
Kiểm soát viên được hưởng chế độ phúc lợi, ưu đãi và tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể của doanh nghiệp như cán bộ, nhân viên và người lao động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về nghĩa vụ của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
Chi tiết xem thêm tại Nghị định 47/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/4/2021.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 26/2021/TT-BTC hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đối với các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Nghị định 150/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Chi tiết các nội dung hướng dẫn xem tại Thông tư 26/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp thực hiện các khâu:
Ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học;
Chịu trách nhiệm về đề thi;
Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và tuyển sinh;
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi thống nhất toàn quốc và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm an toàn;
Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự Kỳ thi; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những công việc trọng tâm để Kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 diễn ra một cách thuận lợi nhất.
Nội dung chi tiết xem tại Chỉ thị 11/CT-TTg được ban hành ngày 16/4/2021.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 07/2021/TT-BGTVT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo đó, Thông tư 07/2021/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải từ ngày 01/6/2021 như sau:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Như vậy, theo Thông tư 07/2021/TT-BGTVT, kể từ ngày 01/6/2021, người được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải phải đáp ứng 02 điều kiện: có đủ tiêu chuẩn theo luật định và không thuộc các trường hợp sau:
Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
(Hiện nay, Thông tư 33/2014/TT-BGTVT không quy định về các trường hợp loại trừ nêu trên)
Nội dung chi tiết xem tại Thông tư 07/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/6/2021, thay thế Thông tư 33/2014/TT-BGTVT.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |