Trong tuần vừa qua (từ ngày 05/4 - 10/4/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Giáo dục; Bảo hiểm; Lao động;… Nội dung cụ thể như sau:
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, THCS, THPT.
Theo đó, đối tượng tham gia và khối lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm các cấp được quy định cụ thể như sau:
- Đối với cấp tiểu học:
Theo Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT, đối tượng tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm: Những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ); Các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Khối lượng chương trình gồm 35 tín chỉ, trong đó, phần bắt buộc có 31 tín chỉ và phần tự chọn có 04 tín chỉ.
(01 tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết; 01 tiết lý thuyết tương đương với 02 tiết thảo luận, thực hành).
- Đối với cấp THCS, THPT:
Theo Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT, đối tượng tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm: Những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT; Các tổ chức, cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Thời lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm: Khối học phần chung có 17 tín chỉ và khối học phần nhánh có 17 TC nhánh THCS, 17 TC nhánh THPT.
(01 tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết; 01 tiết lý thuyết tương đương với 02 tiết thảo luận, thực hành).
Xem thêm tại: Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn 881/BHXH-CSXH về việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã và người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã.
Theo đó, tại Công văn này, BHXH Việt Nam đề xuất một phương án duy nhất giải quyết chế độ BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã và người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã là Phương án 1 nêu tại Tờ trình 6765/TTr-BNV ngày 23/12/2020 của Bộ Nội vụ, cụ thể:
- Đối với các chức danh là Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã có thời gian làm việc từ tháng 11/2003 đến nay, nếu đã đóng BHXH bắt buộc thì được giải quyết hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH khi đủ điều kiện hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.
- Đối với người lao động do UBND cấp xã ký HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên đã đóng BHXH bắt buộc và tiền lương làm căn cứ đóng là mức tiền lương ghi trong HĐLĐ theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì cho phép được giải quyết hưởng các chế độ BHXH nếu đủ điều kiện hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Chi tiết xem thêm tại Công văn 881/BHXH-CSXH được ban hành ngày 07/4/2021.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ Đại học được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 18/3/2021.
Cụ thể, tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08 quy định, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ các điều kiện sau:
- Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy chế này;
- Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh;
- Cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu (nơi chuyển đi và chuyến đến) và của hiệu trưởng cơ sở đào tạo.
Đồng thời khi có đủ các điều kiện quy định, sinh viên cũng có thể được xem xét chuyển cơ sở đào tạo.
Xem thêm các điều kiện để được xem xét chuyển cơ sở đào tạo tại: Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 03/5/2021, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn 1318/BGDĐT-QLCL về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
Cụ thể, theo nội dung hướng dẫn tại Công văn này, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 11/5/2021, các đơn vị ĐKDT thực hiện thu hồ sơ ĐKDT và bản photocopy Căn cước công dân; nhập dữ liệu của thí sinh vào Hệ thống QLT.
Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có Căn cước công dân. Các sở GDĐT, các trường phổ thông hướng dẫn để học sinh có Căn cước công dân trước khi nộp Phiếu ĐKDT. Trong trường hợp không có Căn cước công dân thì Hệ thống QLT sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý. Những thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi ĐKDT.
Lưu ý: Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển phải dùng Căn cước công dân thống nhất khi ĐKDT và đăng ký sơ tuyển.
Chi tiết xem thêm tại Công văn 1318/BGDĐT-QLCL được ban hành ngày 05/4/2021.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |