Trong tuần vừa qua (từ ngày 02/3/2020 - 07/3/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Tố tụng Dân sự, Xử phạt hành chính, Xuất nhập khẩu,... Nội dung cụ thể như sau:
1. Chỉ được xuất khẩu khẩu trang y tế vì mục đích viện trợ
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành ngày 28/02/2020.
Cụ thể, theo Nghị quyết này, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 01 tháng 3 năm 2020.
2. Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.
Theo đó, đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được quy định như sau:
Nguyên đơn: là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ;
Bị đơn: là người bị khởi kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ.
Lưu ý: Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3. Phạt đến 150 triệu đồng nếu DN có hành vi cưỡng bức lao động
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, theo Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt tiền này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt này sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức sẽ từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. (Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP vì hiện nay Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP đều không quy định mức phạt đối với hành vi này)
4. Các trường hợp không giao xe cho người vi phạm giữ và bảo quản
Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2020.
Theo đó, Nghị định này quy định, trong các trường hợp sau đây sẽ không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản:
Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;
Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;
Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;
Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |