Trong tuần vừa qua (28/12/2020 - 02/01/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về: Doanh nghiệp; Thuế, phí, lệ phí; Bảo hiểm;… Nội dung cụ thể như sau:
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 150/2020/NĐ-CP về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Theo đó, 04 điều kiện để đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần được ghi nhận tại Điều 4 Nghị định 150/2020/NĐ-CP như sau:
Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi;
Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập;
Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;
Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển thành công ty cổ phần được phép chọn một trong hai hình thức sau:
Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ;
Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Xem chi tiết tại: Nghị định 150/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.
04 điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (Ảnh minh họa)
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định giảm các khoản phí, lệ phí kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021 như sau:
Lệ phí cấp Căn cước công dân: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC;
Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước: Bằng 50% mức thu phí, lệ phí quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 4 Thông tư 259/2016/TT-BTC;
Lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 172/2016/TT-BTC;
Lệ phí sở hữu công nghiệp: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC;
…
Chi tiết xem tại: Thông tư 112/2020/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Hướng dẫn xác định đối tượng đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình (Ảnh minh họa)
Theo đó, Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định việc xác định đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP căn cứ vào một trong các giấy tờ sau đây:
Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
Đối với người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú.
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được thực hiện ngay từ người thứ hai trở đi có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội nêu trên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Chi tiết xem tại: Thông tư 30/2020/TT-BYT, có hiệu lực từ 01/03/2021.
Đây là nội dung quan trọng được quy định tại Thông tư 97/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ được liệt kê tại Điều 20 Thông tư 97/2020/TT-BTC, cụ thể:
Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không được huy động vốn tại Việt Nam để quản lý dưới mọi hình thức.
Trong hoạt động quản lý tài sản, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định sau:
Tuân thủ các quy định về lưu ký, quản lý tách biệt tài sản tới từng khách hàng, giao dịch tài sản giữa các danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác theo các quy định pháp luật áp dụng đối với công ty quản lý quỹ trong nước;
Bảo mật thông tin của khách hàng, thông tin về giao dịch tài sản, danh mục đầu tư của khách hàng và các thông tin khác liên quan, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý có thẩm quyền;
Tuân thủ quy định pháp luật ngoại hối, hạn chế sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam, phòng chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan;
Không được vay trên lãnh thổ Việt Nam cho khách hàng, cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cho chính mình dưới mọi hình thức; không được sử dụng tài sản ủy thác, tài sản của mình để thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược hoặc đảm bảo cho các khoản vay, bảo lãnh cho các khoản vay trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả cho khách hàng ủy thác, cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc cho chính mình;
Không được chào bán, phát hành chứng khoán để huy động vốn trên lãnh thổ Việt Nam;
Chi tiết xem tại: Thông tư 97/2020/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |