Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (07/12 - 12/12/2020)

Trong tuần vừa qua (từ ngày 07/12 - 12/12/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Lao động, Thuế - phí - lệ phí, Tố tụng, ... Nội dung cụ thể như sau:

1. NLĐ làm việc ở nước ngoài không phải hoàn trả tiền môi giới cho DN

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020. Trong đó đề cập đến nhiều quy định mới so với Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

Cụ thể, Luật mới đã bỏ quy định “Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.”

Ngoài ra tại Khoản 8 Điều 7 Luật mới cũng nghiêm cấm “thu tiền môi giới của người lao động”.

Như vậy, từ 01/01/2022, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới.

Mặt khác, Luật này còn bổ sung thêm nhiều hành vi bị cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đơn cử:

  • Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động,…;

  • Phân biệt đối xử trong lao động, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Xem chi tiết tại: Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có hiệu lực từ 01/01/2022, thay thế Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

NLĐ làm việc ở nước ngoài không phải hoàn trả tiền môi giới

NLĐ làm việc ở nước ngoài không phải hoàn trả tiền môi giới cho DN (Ảnh minh họa)

2. Một số nội dung mới về khai thuế, tính thuế của Nghị định 126/2020/NĐ-CP

Ngày 1/12/2020, Tổng cục Thuế đã có Công văn 5189/TCT-CS về việc giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hóa đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (được quy định tại các Nghị định riêng theo Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Cụ thể, Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung mới về khai thuế, tính thuế trên một số nội dung sau:

  • Về khai bổ sung hồ sơ khai thuế;

  • Về khai thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng từ hoạt động xổ số, sản xuất điện, hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân cho thuê tài sản);

  • Về khai thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí);

Xem chi tiết tại: Công văn 5189/TCT-CS ban hành ngày 01/12/2020.

3. 22 biểu mẫu sử dụng trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Vừa qua, TANDTC đã ban hành Thông tư 02/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

biểu mẫu sử dụng trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án

22 biểu mẫu sử dụng trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Ảnh minh họa)

Theo đó, Thông tư này ban hành 22 biểu mẫu sử dụng trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đơn cử:

  • Biểu mẫu sử dụng trong quá trình hòa giải tại Tòa án:

    • Mẫu số 01-HG: Thông báo về quyền lựa chọn hòa giải và lựa chọn Hòa giải viên;

    • Mẫu số 02-HG: Thông báo lần thứ 2 về quyền lựa chọn hòa giải và lựa chọn Hòa giải viên;

    • Mẫu số 03-HG: Biên bản ghi nhận ý kiến của người khởi kiện/người yêu cầu về việc lựa chọn hòa giải, lựa chọn Hòa giải viên;

  • Biểu mẫu sử dụng trong quá trình đối thoại tại Tòa án:

    • Mẫu số 01-ĐT: Thông báo về quyền lựa chọn đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên;

    • Mẫu số 02-ĐT: Thông báo lần thứ 2 về quyền lựa chọn đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên;

    • Mẫu số 03-ĐT: Biên bản ghi nhận ý kiến của người khởi kiện về việc lựa chọn đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên;

Chi tiết xem tại Thông tư 02/2020/TT-TANDTC có hiệu lực từ 01/01/2021.

4. Quy định chi tiết trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án

Ngày 16/11/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 03/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên.

Theo đó, thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án được hướng dẫn tại Thông tư 03/2020/TT-TANDTC như sau:

  • Khi nhận được đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính;

  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định nêu trên, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn.

Xem toàn văn quy định tại Thông tư 03/2020/TT-TANDTC có hiệu lực từ 01/01/2021.

389 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;