Nội dung cơ bản của Luật Quy hoạch đô thị 2009

Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt phải bảo đảm sự thống nhất và khớp nối với các quy hoạch ngành trong khu vực đô thị. Do đó, Luật  quy hoạch đô thị 2009 đã quy định nguyên tắc tuân thủ quy hoạch đô thị là khi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch chuyên ngành trong phạm vi đô thị, kế hoạch sử dụng đất đô thị, quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị, thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến quy hoạch đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị

Để bảo đảm quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; có tính khả thi, bền vững và phù hợp với yêu cầu thực tế của xã hội, Luật đã quy định các yêu cầu cụ thể đối với quy hoạch đô thị. Theo đó, quy hoạch đô thị phải bảo đảm: Cụ thể hóa định hướng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi đô thị; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân. Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị. Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hòa giữa các khu vực trong đô thị. Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục văn hóa, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và công trình hạ tầng xã hội khác. Đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị

Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị theo hướng phân cấp cho chính quyền địa phương nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động cho các địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị của mình.

Bộ Xây dựng chỉ tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị

Để bảo đảm đồ án quy hoạch đô thị có tính khả thi, phù hợp với thực tế và yêu cầu của người dân. Việc lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch đô thị là cần thiết. Luật đã rõ quy định hình thức, thời gian lấy ý kiến, cụ thể: Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng; thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư.

Công bố công khai quy hoạch đô thị

Nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai trong quy hoạch đô thị và để các tổ chức, cá nhân có cơ sở giám sát và thực hiện theo quy hoạch được duyệt, Luật đã quy định cụ thể việc công bố công khai đối với đồ án quy hoạch đô thị. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch đô thị phải được công bố công khai bằng các hình thức: trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ, mô hình tại trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp có liên quan về quy hoạch đô thị, trung tâm triển lãm và thông tin về quy hoạch đô thị và tại khu vực được lập quy hoạch; Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; In thành ấn phẩm để phát hành rộng rãi. Nội dung công bố công khai gồm các nội dung cơ bản của đồ án và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành, trừ những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.

Luật cũng quy định cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật đầu đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.

Giấy phép quy hoạch

Do nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch còn hạn chế, nhiều khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt. Để có cơ sở cho các chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực chưa có quy hoạch, Luật đã quy định việc cấp giấy phép quy hoạch. Mặt khác, đối với khu vực đã có quy hoạch được duyệt nhưng trong trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cũng thực hiện việc cấp giấy phép quy hoạch.

Chính quyền đô thị có trách nhiệm cấp giấy phép quy hoạch đô thị. Việc cấp giấy phép quy hoạch phải căn cứ vào yêu cầu quản lý, kiểm soát phát triển thực tế của đô thị, Quy chuẩn về quy hoạch đô thị, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Nội dung giấy phép quy hoạch bao gồm phạm vi, quy mô khu vực lập quy hoạch đô thị, chỉ tiêu sử dụng đất cho phép, các yêu cầu về khai thác sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trên mặt đất, dưới mặt đất, bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với khu vực chủ đầu tư được giao đầu tư, thời hạn của Giấy phép quy hoạch.

Nguồn: daibieunhandan.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1295 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;