Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền SDĐ và Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước với một số nội dung đáng chú ý như sau:
- 18 thay đổi về đất đai cần biết trước khi bước sang năm 2018 (Phần 2)
- 18 thay đổi về đất đai cần biết trước khi bước sang năm 2018 (Phần 1)
Hằng năm vào ngày 01/01, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất mới
Theo quy định, hệ số điều chỉnh giá đất là căn cứ để xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất (SDĐ), hệ số này cho UBND cấp tỉnh ban hành và được áp dụng từ ngày 01/01 hàng năm.
Trường hợp tại thời điểm xác định tiền SDĐ mà UBND cấp tỉnh chưa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất thì thời điểm đó áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất của năm trước đó để xác định tiền SDĐ phải nộp. Trong trường hợp này, UBND cấp tỉnh tự chịu trách nhiệm về việc thất thu ngân sách do chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.
Thêm trường hợp thu tiền SDĐ khi chuyển từ đất SXKD phi nông nghiệp sang đất ở
Nghị định 123 bổ sung thêm trường hợp như sau:
- Chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ trước ngày 01/7/2004 sang đất ở để thực hiện dự án đầu tư từ ngày 01/7/2014 trở về sau thì nộp tiền SDĐ bằng mức chênh lệch giữa tiền SDĐ tính theo giá đất ở trừ (-) tiền SDĐ tính theo giá đất tính thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê của đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ) thời hạn 70 năm tại thời điểm được cơ quan nhà nước cho phép chuyển mục đích SDĐ.
Được trừ tiền SDĐ khi có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền
Điều 9 Nghị định 45/2014/NĐ-CP được sửa đổi như sau:
- Hộ gia đình, cá nhân SDĐ có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai theo Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hoặc đất được giao, được cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 nhưng nay phù hợp với quy hoạch SDĐ, trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 9 Điều 210 Luật đất đai thì phải nộp 100% tiền SDĐ theo giá đất quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định 45 tại thời điểm có quyết định công nhận quyền SDĐ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Trường hợp có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được SDĐ theo quy định thì được trừ số tiền đã nộp vào tiền SDĐ phải nộp. Lưu ý: Mức trừ không vượt quá số tiền SDĐ phải nộp.
- Trường hợp SDĐ có công trình xây dựng không phải là nhà ở, nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp như hình thức giao đất có thu tiền SDĐ với thời hạn sử dụng lâu dài thì phải nộp 100% tiền SDĐ theo giá đất quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định 45 của loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có thời hạn SDĐ cao nhất quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật đất đai tại thời điểm có quyết định công nhận quyền SDĐ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thêm 02 nguyên tắc miễn, giảm tiền SDĐ
Cụ thể là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có thu tiền SDĐ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền SDĐ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền SDĐ theo quy định của pháp luật đất đai trước 01/7/2014 khi chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng quyền SDĐ từ 01/7/2014 trở về sau thì:
- Đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền SDĐ:
- Nếu số tiền SDĐ đã được miễn, giảm không tính vào giá chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án thì người nhận chuyển nhượng tiếp tục được miễn, giảm tiền SDĐ theo quy định của pháp luật về đầu tư cho thời gian còn lại của dự án.
- Nếu người nhận chuyển nhượng không tiếp tục thực hiện dự án thì phải nộp tiền SDĐ theo quy định đối với dự án sau chuyển nhượng. Trường hợp người chuyển nhượng đã thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính về đất đai thì người nhận chuyển nhượng được kế thừa phần nghĩa vụ mà người chuyển nhượng đã nộp.
- Đối với trường hợp chuyển nhượng quyền SDĐ thì người chuyển nhượng phải nộp đủ số tiền đã được miễn, giảm vào ngân sách nhà nước theo giá đất tại thời điểm chuyển nhượng quyền SDĐ.
Hồ sơ đề nghị khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng
Nghị định 123 bổ sung nội dung hồ sơ đề nghị khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đối tượng thuê đất không thông qua hình thức đấu giá và người được nhà nước cho thuê đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo đó, hồ sơ gồm:
- Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: 01 bản sao;
- Chứng từ và bảng kê thanh toán tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng: 01 bản chính.
Đồng thời, bổ sung thêm quy định sau: Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm nhưng không cân đối được ngân sách nhà nước để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc người thuê đất tự nguyện trả trước tiền thuê đất tương ứng với số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước phê duyệt. Cơ quan thuế thực hiện quy đổi số tiền này ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm và thông báo cho người thuê đất; mức trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp.
Xem chi tiết Nghị định 123/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.