Đầu tư 1.235.380 tỷ đồng để thực hiện Quy hoạch giao thông TP. Hà Nội

Hệ thống hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải của Thủ đô hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, không theo kịp tốc độ phát triển dân cư, kinh tế, xã hội. Ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 519/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối gần chục tuyến đường sắt đô thị, khép kín đường vành đai, xây dựng nhiều cầu vượt sông…

 

Bản đồ Quy hoạch Tổng thể mạng lưới GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050​

 

Theo đó, quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội là đồ án quy hoạch rất chi tiết, khoa học và khả thi; khi đưa vào thực hiện sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển không chỉ của Hà Nội mà toàn Vùng Thủ đô, vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước. Trong đó, nêu một số nội dung như sau:

Quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ

Hạ tầng đường bộ gồm mạng lưới đường bộ đối ngoại; mạng lưới đường ngoài đô thị; mạng lưới đường đô thị; các nút giao; các cầu, hầm qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy

  • Mạng đường bộ đối ngoại bao gồm đường cao tốc, quốc lộ và đường vành đai liên vùng.
  • Mạng lưới đường ngoài đô thị:
    • Xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm gồm các trục: (1) Trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài Khoảng 20 km; (2) Trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài Khoảng 25 km; (3) Trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài Khoảng 20 km; (4) Trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài Khoảng 25 km;

    • Xây dựng 31 trục đường tỉnh, đường liên huyện có tính chất quan trọng về giao thông trên cơ sở bám theo các đường tỉnh hiện có và bổ sung các trục mới gồm: Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam; đường trục phát triển kinh tế phía Nam có kết nối với đường Bái Đính - Ba Sao; đường trục Đỗ Xá - Quan Sơn; đường trục Chúc Sơn - Miếu Môn - Hương Sơn...

  • Mạng lưới đường đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh;
  • Cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường nganggồm: Đô thị trung tâm 130 nút; Đô thị vệ tinh Sơn Tây 04 nút; Đô thị vệ tinh Hòa Lạc 07 nút; Đô thị vệ tinh Xuân Mai 04 nút; Đô thị vệ tinh Phú Xuyên 06 nút; Đô thị vệ tinh Sóc Sơn 05 nút; khu vực khác 29 nút.
  • Các cầu, hầm qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy:
    • Xây dựng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó có 06 cầu đã xây dựng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh; cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; xây dựng mới các cầu, hầm gồm: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh), cầu Việt Trì - Ba Vì kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

    • Xây dựng 08 cầu qua sông Đuống, trong đó có 04 cầu hiện đang sử dụng (cầu Đuống dùng chung cho đường sắt và đường bộ, cầu Phù Đổng 1 và cầu Phù Đổng 2 trên đường Vành đai 3, cầu Đông Trù thuộc dự án đường 5 kéo dài); 04 cầu xây dựng mới gồm: Cầu Đuống mới (cầu đường bộ), cầu Giang Biên trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên sang Ninh Hiệp, cầu Mai Lâm (trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên đến trục trung tâm Cổ Loa), cầu Ngọc Thụy (trên tuyến đường dọc đê tả sông Hồng).

    • Các cầu qua sông Đà gồm: Cầu Trung Hà hiện có, cầu Trung Hà mới trên tuyến cao tốc phía Tây, cầu Đồng Quang.

    • Xây dựng các cầu qua sông Đáy gồm: Cầu Thanh Đa (Trục Tây Thăng Long), cầu Phùng (Quốc lộ 32), cầu Sông Đáy (Đại Lộ Thăng Long), cầu Mai Lĩnh (Quốc lộ 6), cầu Đồng Hoàng (Trục Hà Đông - Xuân Mai), cầu Hoàng Thanh (trục huyện Thanh Oai), cầu Mỹ Hòa (nối Mỹ Đức - Ứng Hòa), cầu Hòa Viên (nối Ứng Hòa - Chương Mỹ), cầu Sông Đáy (đường Đỗ Xá - Quan Sơn), cầu trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5... Quy mô các cầu phù hợp với hệ thống phân lũ sông Đáy.

    • Trên các tuyến sông khác: Xây dựng các cầu quy mô đồng bộ với quy mô của đường quy hoạch.


Hà Nội sẽ có thêm sân bay quốc tế thứ 2

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội thì đến năm 2050 Hà Nội sẽ có tổng cộng 5 sân bay, trong đó có 2 sân bay quốc tế. Cụ thể:

  • Cảng hàng không quốc tế Nội Bài: Cải tạo, nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc với các giai đoạn như sau:
    • Đến năm 2020: Cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), lưu lượng hành khách đạt 20 - 25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hóa/năm;
    • Đến năm 2030 cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hóa/năm.
  • Cảng hàng không Gia Lâm: Sử dụng chung cho dân dụng nội địa tầm ngắn và quân sự. Cảng cấp 3C và sân bay quân sự cấp II, với 2 đường cất hạ cánh kích thước 2000 m x 45 m. Lượng hành khách tiếp nhận: 290.000 hành khách/năm.
  • Sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn: Phục vụ Mục đích quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có yêu cầu.
  • Sân bay Bạch Mai: Là sân bay cứu hộ, trực thăng.
  • Sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô sẽ được định hướng trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

 

Đầu tư 1.235.380 tỷ đồng để thực hiện Quy hoạch

Tổng số vốn đầu tư để hoàn thành quy hoạch đề ra là 1.235.380 tỷ đồng trong đó đầu tư 523.777 tỷ đồng cho đường bộ, 646.525 tỷ đồng cho đường sắt, 19.750 tỷ đồng cho đường thủy và 45.329 tỷ đồng cho Hàng không.

Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư:

  • Vốn từ ngân sách Nhà nước.
  • Vốn từ các nguồn thu của Thành phố dành để đầu tư phát triển giao thông vận tải.
  • Vốn xã hội hóa.
  • Thu hút nguồn vốn từ trong nước và nước ngoài, thông qua các Khoản vay dự án ODA cụ thể, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô.

Xem chi tiết nội dung quy hoạch giao thông vân tải thành phố Hà Nội tại Quyết định 519/QĐ-TTg .

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2871 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;