Theo quy định tại Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT (Thông tư 09) khi đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất thì ngoài việc nộp hồ sơ trực tiếp thì người đăng ký có thể đăng ký nộp hồ sơ theo 02 phương thức là gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. Cụ thể:
Việc nộp hồ sơ đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất qua phương thức đăng ký trực tuyến được thực hiện và áp dụng:
- Đối với các địa phương đã vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai; và
- Sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.
Còn phương thức gửi hồ sơ qua đường bưu điện phải có bảo đảm.
Việc mở rộng phương thức đăng ký như vậy góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm của Nhà nước và đa dạng hóa cách thức làm việc hành chính để người dân có thể lựa chọn trình tự thủ tục theo nhu cầu và điều kiện thực tiễn.
Hình ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Thông tư 09 sửa đổi và bổ sung một số quy định của pháp luật về đăng ký thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất phần nào đã tháo gỡ những vướng mắc và tồn đọng trong hoạt động ở lĩnh vực này.
Thông tư nêu rõ các trường hợp đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất bao gồm (1) Đăng ký thế chấp QSDĐ; (2) Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất; (3) Đăng ký thế chấp QSDĐ đồng thời với tài sản gắn liền với đất; (4) Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; (5) Đăng ký thế chấp QSDĐ đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; (6) Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký; (7) Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp; (8) Xóa đăng ký thế chấp. Cần lưu ý là việc đăng ký thế chấp ở các trường hợp (1), (2), (3), (4), (5) bao gồm cả các trường hợp đăng ký thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp hoặc của người khác.
Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khi thực hiện đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất có thể lựa chọn nộp hồ sơ đến một trong các cơ quan, đơn vị như: Văn phòng đăng ký đất đai; UBND cấp xã nơi có đất hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Đồng thời, Văn phòng đăng ký đất đai phải có trách nhiệm đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ. Đối với trường hợp Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký thế chấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND) trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. Quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp không bao gồm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận hoặc thời gian thực hiện thủ tục chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận.
Ngoài ra, nếu phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký như tài sản thế chấp hoặc bên thế chấp cung cấp thông tin cá nhân không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký thì Văn phòng đăng ký đất đai có quyền từ chối đăng ký. Các thông được kê khai trong Đơn yêu cầu đăng ký hoặc trong hợp đồng thế chấp mà không trùng khớp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký thì người yêu cầu đăng ký thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký thế chấp và thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hình ảnh minh họa
Riêng trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thì phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Nếu là nhà ở hình thành trong tương lai đã được đăng ký thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở thì không được đồng thời đăng ký theo hình thức đăng ký thế chấp nhà ở đó. Nếu nhà ở hình thành trong tương lai đã được đăng ký thế chấp theo quy định tại Thông tư 09 này thì không được đồng thời đăng ký thế chấp theo hình thức đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó.
- Nếu chủ đầu tư đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai thì trước khi bán nhà ở trong dự án đó, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký tức là rút bớt tài sản thế chấp.
- Việc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai phải gắn với thửa đất nơi có tài sản.
- Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai theo nguyên tắc ghi nhận nội dung đăng ký trên cơ sở thông tin được kê khai trên Đơn yêu cầu đăng ký và người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin hồ sơ kê khai trước pháp luật.
Lưu ý những nội dung điều khoản chuyển tiếp được quy định tại Điều 40 Thông tư 09 để áp dụng cho phù hợp.
Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT có hiệu lực áp dụng từ ngày 08/8/2016, thay thế Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT, đồng thời bãi bỏ Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT