Tại Luật Đất đai 2013 hiện nay không còn ghi nhận hai khái niệm pháp lý sổ hồng và sổ đỏ, tuy nhiên hai khái niệm này vẫn đang được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trên thực tế. Dưới đây là cách phân biệt sổ đỏ và sổ hồng đơn giản nhất.
- Các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013
- Hướng dẫn thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu
Cách phân biệt sổ đỏ và sổ hồng đơn giản nhất (Ảnh minh họa)
1. Khái niệm và tên gọi pháp lý của sổ đỏ và sổ hồng
- Sổ đỏ hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất đất nông nghiệp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
- Sổ hồng hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp cho chủ sở hữu tại nội thành, nội thị xã, thị trấn theo quy định.
-
Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một Giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
-
Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
2. Nội dung cơ bản trong sổ đỏ và sổ hồng
- Sổ đỏ thể hiện tên người sử dụng đất; thửa đất được quyền sử dụng (tên thửa đất, địa chỉ, diện tích, hình thức, mục đích, thời hạn và nguồn gốc sử dụng); và tài sản gắn liền với đất.
- Sổ hồng thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, diên tích, loại đất, thời hạn sử dụng...) và quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, số tầng, kết cấu nhà, diện tích sử dụng chung, riêng...).
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ và sổ hồng
- Sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
- Sổ hồng do Bộ Xây dựng ban hành.
4. Đặc điểm hình thức của sổ đỏ và sổ hồng
- Sổ đỏ là sổ có bìa ngoài màu đỏ tươi, trang đầu tiên có dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
- Sổ hồng là sổ có màu hồng nhạt, bên ngoài trang đầu tiên ghi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Tuy nhiên, sổ đỏ và sổ hồng chỉ là khái niệm được thừa nhận rộng rãi và được sử dụng trên thực tế. Về mặt pháp lý, chưa có quy định pháp luật cụ thể nào quy định về hai khái niệm trên. Mặt khác, tại Luật Đất đai 2013 đang có hiệu lực thi hành đã thống nhất sử dụng chung khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, đây là loại giấy được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Đặc biệt, nhà ở chung cư hiện nay là một hình thức rất phổ biến, theo quy định khi mua chung cư thì người mua sẽ được cấp sổ hồng, hay chính xác là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và trang bổ sung nền trắng (theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).
>>> Xem thêm: Các trường hợp đăng ký biến động đất đai được cấp Sổ đỏ mới năm 2020
Như vậy, về cơ bản có thể hiểu sổ đỏ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn sổ hồng là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Hiện nay, mặc dù chưa có quy định pháp luật ghi nhận hai khái niệm này nhưng cả hai vẫn đang được sử dụng và có giá trị pháp lý trên thực tế.
Lê Vy
- Từ khóa:
- Luật Đất đai 2013
- Sổ đỏ