3 nội dung cơ bản về dự án đầu tư xây dựng tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020

Đây là một trong những nội dung cơ bản đã được sửa đổi tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Dưới đây là chi tiết 3 nội dung cơ bản về dự án đầu tư xây dựng.

3 nội dung cơ bản về dự án đầu tư xây dựng tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020

3 nội dung cơ bản về dự án đầu tư xây dựng tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020 (Ảnh minh họa)

1. Dự án đầu tư xây dựng là gì?

Theo khoản 15 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) bổ sung khoản 15a Điều 3 Luật Xây dựng 2014, theo đó quy định dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị.

2. Phân loại dự án đầu tư xây dựng

Tại khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) sửa đổi, bổ sung Điều 49 Luật Xây dựng 2014 quy định dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo các căn cứ sau:

Thứ nhất, căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Thứ hai, căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:

  • Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng;

  • Dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp;

  • Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;

  • Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;

  • Dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;

  • Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh;

  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác.

Thứ ba, căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:

  • Dự án sử dụng vốn đầu tư công;

  • Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;

  • Dự án PPP;

  • Dự án sử dụng vốn khác.

Có thể thấy tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã quy định cụ thể hơn về việc phân loại dự án đầu tư xây dựng so với Luật Xây dựng 2014 trước đây.

3. Lập dự án đầu tư xây dựng

Theo khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) sửa đổi Điều 52 Luật Xây dựng 2014 quy định khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án.

Đặc biệt, trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định như sau:

  • Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;

  • Đối với dự án không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định;

  • Trình tự lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

  • Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật Xây dựng, trừ dự án PPP.

Lưu ý:

- Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng mà không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau:

  • Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

  • Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

- Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

>>> Xem thêm: 05 loại công trình, nhà ở riêng lẻ phải có giấy phép xây dựng từ năm 2021

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1454 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;