Chuyển toàn bộ tranh chấp về đất đai cho cơ quan tòa án giải quyết; giao đất có cùng hoặc khác mục đích sử dụng đất thu hồi khi tiến hành bồi thường đất; bổ sung đối tượng sử dụng đất là cá nhân nước ngoài…là các điểm mới quan trọng được đề cập tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đất đai.
TOÀN VĂN ĐỀ XUẤT LUẬT SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đất đai với nhiều quy định mới đáng chú ý. Nhằm giúp mọi người nắm rõ hơn về các quy định này, Thư Ký Luật xin đưa ra sự so sánh giữa các quy định trong Dự thảo và quy định hiện hành theo bảng dưới đây.
STT |
Phương hướng quy định tại Dự thảo |
Quy định hiện hành |
1 |
Chuyển toàn bộ tranh chấp về đất đai cho cơ quan Tòa án giải quyết. |
Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định nếu có tranh chấp về đất đai thì trước tiên phải được tổ chức hòa giải tại UBND các cấp. Trường hợp hòa giải không thành thì khởi kiện ra Tòa án. |
2 |
Bồi thường khi thu hồi đất bằng việc giao đất có cùng mục đích hoặc khác mục đích đất thu hồi nhưng ngang bằng về giá trị bồi thường đất. |
Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định về việc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất là bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bồi thường bằng tiền theo giá đất. |
3 |
Thêm đối tượng sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. |
Điều 5 Luật Đất đai 2013 không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. |
4 |
Cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; tổ chức kinh tế được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. |
Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định tổ chức kinh tế; hộ gia đinh, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. |
5 |
Bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nới rộng thêm hơn 10 lần so với hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. |
Khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. |
6 |
Giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân. |
Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể trong việc giao đất, cho thuê đất và tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. |
7 |
Quy định cụ thể về đất tôn giáo, đất tín ngưỡng, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác. |
Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác chưa được liệt kê tại Điều 10 Luật Đất đai 2013. |
8 |
Sửa đổi, bổ sung hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đến cấp xã; Bổ sung nội dung về quy hoạch cấp vùng. |
Điều 36 Luật Đất đai 2013 quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp độ như: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, đất quốc phòng, đất an ninh. |
9 |
Quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. |
Khoản 4 Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, chưa quy định xử lý đối với trường hợp giữa hai bên không đạt được thỏa thuận. |
10 |
Bổ sung thêm các trường hợp cụ thể về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. |
Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 đang quy định 7 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. |