Từ 24/02/2020, Thừa phát lại không còn được tổ chức cưỡng chế thi hành án

Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chính thức có hiệu lực thi hành từ 24/02/2020. Nghị định này đã đưa ra nhiều nội dung mới liên quan đến Thừa phát lại, trong đó đáng chú ý là việc bỏ thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại đã được quy định trước đó tại nghị định 61/2009/NĐ-CP.

thua phat lai khong duoc cuong che thi hanh an

Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây

- Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự;

- Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;

- Xử phạt vi phạm hành chính;

- Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự;

- Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự;

- Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.

Như vậy, theo quy định trên có thể thấy, từ ngày 24/02/2020, Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự nhưng không được quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án cũng như không được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ.

Trước đây, tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP, khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại được quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án cũng như có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định thi hành án, trừ trường hợp đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 40 Nghị định 61.

Nguyễn Trinh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1516 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;