Xin hỏi là đối với việc tiếp nhận tương trợ tư pháp về dân sự thì được quy định thế nào? - Văn Minh (TP.HCM)
Thủ tục ủy thác tương trợ tư pháp về dân sự (Hình từ Internet)
1. Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự
Căn cứ Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự;
- Triệu tập người làm chứng, người giám định;
- Thu thập, cung cấp chứng cứ;
- Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
Căn cứ Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự phải có các văn bản sau đây:
(1) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự;
(2) Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 của Luật này;
(3) Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được ủy thác.
Lưu ý: Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự được lập thành ba bộ theo quy định của Luật này và phù hợp với pháp luật của nước được ủy thác. Ngôn ngữ được sử dụng để lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp 2017.
3. Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự
Tại Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về văn bản ủy thác tư pháp về dân sự phải có các nội dung sau đây:
- Ngày, tháng, năm và địa điểm lập văn bản;
- Tên, địa chỉ cơ quan ủy thác tư pháp;
- Tên, địa chỉ cơ quan được ủy thác tư pháp;
- Họ, tên, địa chỉ nơi thường trú hoặc nơi làm việc của cá nhân; tên đầy đủ, địa chỉ hoặc văn phòng chính của cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp;
- Nội dung công việc được ủy thác tư pháp về dân sự phải nêu rõ mục đích ủy thác, công việc và các tình tiết liên quan, trích dẫn điều luật có thể áp dụng, các biện pháp để thực hiện ủy thác và thời hạn thực hiện ủy thác.
4. Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự
Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự quy định tại Điều 13 Luật Tương trợ tư pháp 2007 như sau:
Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu;
- Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;
- Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lưu ý: Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự phải được lập thành văn bản dưới hình thức ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định Luật Tương trợ tư pháp 2017.
5. Thủ tục yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự
Căn cứ Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về thủ tục yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự phải lập hồ sơ ủy thác theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp 2007 và gửi cho Bộ Tư pháp.
Bước 2: Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, Bộ Tư pháp vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại cho cơ quan đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự.
Ngọc Nhi
- Từ khóa:
- Luật tương trợ tư pháp 2007