Hiện nay, trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ngày một phổ biến. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân này là giữa hai người mang hai quốc tịch khác nhau nên việc giải quyết vấn đề ly hôn cũng trở nên phức tạp hơn.
Thủ tục ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)
Theo đó, thủ tục ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài được thực hiện như sau:
1. Xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam:
Do đặc trưng của quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài sẽ liên quan đến pháp luật cả hai nước mà mỗi bên mang quốc tịch nên việc xác định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết rất quan trọng.
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 35 và Điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
…
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
…
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.
Như vậy, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, yêu cầu ly hôn có đương sự là người nước ngoài. Trừ trường hợp, công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
2. Hồ sơ:
Hồ sơ thực hiện thủ tục ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài bao gồm:
-
Đơn xin ly hôn (theo mẫu của Tòa án).
-
Bản chính Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn.
-
Bản sao chứng thực chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu; Hộ khẩu thường trú của vợ chồng.
-
Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
-
Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
-
Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài.
Lưu ý: Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa.
3. Trình tự, thủ tục:
Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài được tiến hành theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ hợp lệ đến Tòa án cấp Tỉnh/Huyện nơi thường trú của bị đơn.
Bước 2: Trong thời hạn 7-15 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.
4. Thời hạn và chi phí giải quyết:
Thời hạn: Thời gian giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 là từ 4 - 6 tháng từ ngày thụ lý.
Án phí: Mức án phí sơ thẩm trong vụ việc ly hôn theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 là 300.000 đồng đối với vụ án không có giá ngạch (không có tranh chấp về tài sản); Đối với vụ án dân sự có giá ngạch (có tranh chấp về tài sản), án phí được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp.
Trên đây là những quy định của pháp luật để giải quyết việc ly hôn của công dân Việt Nam và người nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện thủ tục này lại phát sinh khá nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là việc Bản án, Quyết định ly hôn của Tòa án Việt Nam thường không được người nước ngoài chấp hành. Đồng thời, do trở ngại về địa lý nên việc tiến hành các thủ tục trở nên khó khăn, kéo dài. Nếu việc ly hôn có liên quan đến giải quyết tranh chấp tài sản cũng gặp không ít khó khăn. Từ đó, có thể thấy thủ tục giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài phức tạp hơn trong nước rất nhiều.
Thùy Trâm