Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Bộ luật Dân sự 2015 có một số quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự khác với các quy định trước đây. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn để giải quyết các vụ án còn nhiều bất cập do cách hiểu khác nhau.
- Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp nào?
- Giám đốc thẩm, tái thẩm trong dân sự có phải là một cấp xét xử?
- Mức án phí khởi kiện tranh chấp đất đai hiện hành
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự: Phải có yêu cầu thì Tòa án mới xem xét (Ảnh minh họa)
1. Các quy định chung của pháp luât về thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Với quy định trên, có thể thấy, về bản chất tất cả các vụ án đều còn thời hiệu khởi kiện nếu đương sự không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu. Cũng có thể nói, không phải vụ án nào hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án cũng đình chỉ giải quyết vụ án. Tòa án chỉ đình chỉ giải quyết vụ án khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện của một bên đương sự và thời hiệu này đã hết. Tuy nhiên, đương sự chỉ được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định, bản án giải quyết vụ án đó.
Gần đây nhất, đã xảy ra sự việc một Đoàn Đại biểu quốc hội của tỉnh đã có văn bản kiến nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của một vụ án vì cho rằng thời hiệu khởi kiện của vụ án này đã kết thúc, do đó việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần phải xem xét xem các đương sự trong vụ án trên đã có yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thời hiệu trong việc giải quyết vụ án hay không. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không đương nhiên được Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ án.
2. Thời hiệu khởi kiện không đương nhiên được áp dụng khi giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa
Có thể thấy, thời hiệu khởi kiện không đương nhiên được Tòa án áp dụng khi giải quyết vụ án dân sự mà phải được một bên đương sự có liên quan đến vụ án yêu cầu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định. Khi nhận được yêu cầu của đương sự về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện để giải quyết vụ án thì Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của pháp luật để xem xét yêu cầu khởi kiện còn hay hết thời hiệu. Trường hợp vẫn còn thời hiệu để giải quyết thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung, trường hợp đã hết thời hiệu Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trong thực tiễn xét xử tại Tòa án, có một vấn đề bất cập xảy ra cho việc áp dụng thời hiệu trong giải quyết vụ án dân sự. Đó là sự giải thích của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện cho các đương sự chưa được rõ. Sự hiểu khác nhau về quy định thời hiệu của các thẩm phán, của các đương sự đã tạo ra vướng mắc cho việc áp dụng thời hiệu này tại các vụ việc. Có trường hợp Thẩm phán giải thích rất rõ ràng, tường tận về quyền này cho đương sự, cũng có trường hợp thẩm phán không giải thích về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu vì cho rằng đây là việc mà đương sự phải biết.
Hậu quả pháp lý của các trường hợp cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu Thẩm phán giải thích, đương sự sẽ hiểu rõ về quyền của mình, qua đó có thể yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan nếu thời hiệu đã hết. Nếu Thẩm phán không giải thích, với sự hiểu biết pháp luật của đa số đương sự hiện nay, việc hiểu được quy định và áp dụng quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu là một vấn đề khó khăn, pháp luật quy định quyền cho đương sự nhưng đương sự lại không biết để thực hiện quyền của mình.
Do đó, cần có hướng dẫn, quy định của pháp luật về việc Thẩm phán phải giải thích về quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trong việc giải quyết vụ án dân sự. Điều đó càng khẳng định sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trước pháp luật được Tòa án đảm bảo theo quy định của khoản 2 Điều 8 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Đồng thời, đương sự cũng phải chuẩn bị cho mình những hiểu biết pháp luật về thời hiệu để có thể vận dụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đức Thảo
- Từ khóa:
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015