Quyền khác tài sản: Quy định mới theo Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định nội dung một chủ thể có quyền trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2015, quyền khác đối với tài sản bao gồm:
- Quyền đối với bất động sản liền kề;

- Quyền hưởng dụng;

- Quyền bề mặt.

Điều 245 Bộ luật này quy định quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).

Các quyền của chủ sở hữu đối với bất động sản liền kề:

- Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề: Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

- Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác: Khi người có quyền sử dụng đất canh tác có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước trong quá trình canh tác có thể yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới nước, tiêu nước.

- Quyền về lối đi qua: Bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, chủ sở hữu bất động sản đó có thể  yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

- Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác: Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc Chủ đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó.

Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định (Điều 257 Bộ luật dân sự 2015). Như vậy, quyền hưởng dụng là một loại vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác, bao gồm quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức. Vì vậy, khi chủ sở hữu giao quyền hưởng dụng cho một chủ thể khác thì nghĩa là chủ sở hữu đã giao ra quyền chiếm hữu, sử dụng và giữ lại quyền định đoạt.

Quyền của người hưởng dụng:
- Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng, cho thuê quyền hưởng dụng;

- Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản hưởng dụng để bảo đảm tài sản không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Quyền bề mặt là quyền của chủ thể được sử dụng mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về người khác (Điều 267 Bộ luật dân sự 2015). Đối tượng của quyền bề mặt có thể là vật cụ thể gắn với đất hoặc là phần không gian, theo đó vật gắn với đất sẽ được tạo lập.

Chủ thể của quyền bề mặt có các quyền sau:

- Khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác 

- Quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập trong quá trình xây dựng công trình, trồng cây, canh tác.

Linh Trang

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
9269 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;