Quy định về thay đổi người giám hộ

Xin hỏi về điều kiện làm người giám hộ và việc thay đổi người giám hộ quy định ra sao? - Thiên Nhi (TP.HCM)

Quy định về thay đổi người giám hộ

Quy định về thay đổi người giám hộ (Hình từ Internet)

1. Người giám hộ là ai?

Theo Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ như sau:

- Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 được làm người giám hộ.

- Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

- Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

2. Điều kiện làm người giám hộ

Theo Điều 49 và Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện làm người giám hộ như sau:

2.1. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

2.2. Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ

Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Quy định về thay đổi người giám hộ

Thay đổi người giám hộ theo Điều 60 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:

+ Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015;

+ Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;

+ Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;

+ Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.

- Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015.

- Thủ tục thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

4. Quy định về giám sát việc giám hộ

Giám sát việc giám hộ theo Điều 51 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

(1) Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; 

Nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

(2) Trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử, chọn được người giám sát việc giám hộ theo quy định tại (1) mục này thì UBND cấp xã nơi cư trú của người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ. 

Trường hợp có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ thì Tòa án quyết định.

(3) Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu là cá nhân, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân; có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát.

(4) Người giám sát việc giám hộ có quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ;

- Xem xét, có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1612 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;