Xin cho tôi hỏi phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu được xác định như thế nào? - Hạ Lam (Đà Nẵng)
Phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Thế nào là kiểm soát xuất nhập cảnh?
Theo khoản 6 Điều 2 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, kiểm soát xuất nhập cảnh là việc kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.
2. Phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 74/2020/TT-BCA quy định về phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu như sau:
- Phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường hàng không được tính từ khu vực khách xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh đến cửa tàu bay và từ cửa tàu bay đến bục kiểm soát nhập cảnh.
- Phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới đất liền bao gồm phạm vi khu vực cửa khẩu biên giới đất liền được xác định theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP.
- Phạm vi, khu vực kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cảng bao gồm:
+ Phạm vi cảng biển, bến cảng, cầu cảng, cảng dầu khí ngoài khơi do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở theo thẩm quyền được pháp luật quy định cho tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện hoạt động khác; phạm vi cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, cảng cá nằm trong vùng nước cảng biển.
+ Phạm vi cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố mở theo thẩm quyền được pháp luật quy định cho tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện hoạt động khác; phạm vi bến thủy nội địa có vùng nước trước cầu cảng thuộc vùng nước cửa khẩu cảng thủy nội địa.
3. Mục đích, nguyên tắc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
Mục đích, nguyên tắc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm mọi hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh phải được kiểm soát theo đúng quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc lợi dụng công tác kiểm soát xuất nhập cảnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các trường hợp không đủ điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại cửa khẩu.
-Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác quy định tại Thông tư 74/2020/TT-BCA thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế.
(Điều 3 Thông tư 74/2020/TT-BCA)
4. Nhiệm vụ của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 74/2020/TT-BCA, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Kiểm tra xác định tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ xuất nhập cảnh và điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh;
- Xác định sự đồng nhất giữa người xuất cảnh, nhập cảnh với giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Nhập thông tin của người xuất cảnh, nhập cảnh vào hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh và bổ sung các thông tin cần thiết;
- Kiểm tra, đối chiếu các thông tin nhân thân trong giấy tờ xuất nhập cảnh với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam qua kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng chuyên dùng;
- Kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam khi có văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trần Thanh Rin