Nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương và 46 điều.

Chương I: Những quy định chung 

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; Các hành vi bạo lực gia đình; Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; Nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực; Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân; Bạo lực gia đình, chính sách của Nhà nước, hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình và những hành vi bị nghiêm cấm.
Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình dựa trên biện pháp phòng ngừa là chính, kết hợp bảo vệ kịp thời tính mạng, sức khỏe của nạn nhân không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhằm xây dựng và củng cố gia đình Việt Nam.

Các hành vi bạo lực gia đình được liệt kê tại Điều 2, gồm 9 loại hành vi cụ thể thuộc 4 nhóm là: Bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế. Việc liệt kê như trên có thể thiếu, nhưng đã tránh được một phần tình trạng luật khung; Tuy nhiên, về mức độ của các hành vi như thế nào mới gọi là bạo lực gia đình, thì các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ phải nêu chi tiết hơn.

Các hành vi bị nghiêm cấm được thể hiện trong Điều 8 đã bao hàm cả hành vi gây bạo lực, xúi giục gây bạo lực; Cản trở phòng, chống, bao che không xử lý hành vi bạo lực gia định, quy định như vậy sẽ hạn chế tình trạng một số người bị bạo lực đã báo cáo với chính quyền nhưng cán bộ cho rằng đó là chuyện gia đình nên không xử lý, hoặc trì hoãn xử lý.

Chương II: Phòng ngừa bạo lực gia đình

Nội dung Chương này thể hiện quan điểm coi trọng việc ngăn ngừa bạo lực gia đình và chú trọng đến các giải pháp tại cộng đồng, phát huy vai trò gia đình và dòng họ, quy định phát hiện xử lý sớm từ mâu thuẫn xích mích nhỏ không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn gây bạo lực gia đình. Việc xử lý xích mích, mâu thuẫn nhỏ thông qua các biện pháp hòa giải cơ sở...

Một điểm đặc biệt nữa quy định tại chương này là biện pháp mang tính cộng đồng: “Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư”, đối với người có hành vi bạo lực (chưa đến mức áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường) nhằm ngăn ngừa hành vi bạo lực có thể tiếp tục xảy ra. Đây là biện pháp đã được áp dụng có hiệu quả tại một số địa phương nông thôn và được đa số người dân đồng tình.

Chương III: Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

Nội dung chương này quy định về phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình; Biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã và của Tòa án; Chăm sóc nạn nhân tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tư vấn cho nạn nhân; Hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu; Các cơ sở trợ giúp nạn nhân (cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng).

Chương III quy định về một số biện pháp đặc thù trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, đó là:

Biện pháp cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình (nhưng phải có một số điều kiện cụ thể, trong đó có yêu cầu được cách ly của chính nạn nhân bạo lực gia đình). Thẩm quyền ban hành quyết định cấm tiếp xúc:

- Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày (Điều 20).

- Một số trường hợp khi tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình, tòa án có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trên cơ sở phải có yêu cầu của nạn nhân và một số điều kiện khác (Điều 21).

Thực tế hiện nay, một số trường hợp bạo lực gia đình gây hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của nạn nhân, nếu không có biện pháp cấm tiếp xúc để cách ly giữa họ thì sẽ có nguy cơ chuyển thành tội phạm và thậm chí đến mức án mạng có thể xảy ra. Vì vậy, cấm tiếp xúc là một trong giải pháp để bảo vệ nạn nhân, giảm thiểu hậu quả bạo lực gia đình, hạn chế tội phạm... Tuy nhiên, với nhiều điều kiện ràng buộc để ra quyết định cấm tiếp xúc, vì vậy chỉ một số ít vụ bạo lực gia đình áp dụng quyết định cấm tiếp xúc. Đồng thời Luật cũng quy định rất rõ về giám sát việc thực hiện biện pháp này (Điều 22).

Việc chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tại cơ sở khám, chữa bệnh được quy định rõ là Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chi trả chi phí cho việc khám và điều trị đối với nạn nhân bạo lực gia đình có BHYT, còn các đối tượng khác sẽ theo quy định của pháp luật về viện phí. Còn đối với vấn đề bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự nên không cần thiết quy định trong Luật này.

Cơ sở trợ giúp nạn nhân, gồm các loại cơ sở sau đây: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận, chăm sóc về sức khỏe và tạo điều kiện nơi tạm lánh ngắn hạn (không quá 1 ngày); Cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình (NGO, tư nhân) đã đăng ký và được phép tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ nạn nhân. Một trong những cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ tại cộng đồng là địa chỉ tin cậy (muốn nhận làm địa chỉ tin cậy chỉ cần thông báo với UBND cấp xã nơi đặt địa chỉ) đó là các cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng. Đây là điểm mới và đặc thù theo điều kiện văn hóa Việt Nam, được quy định dựa trên kinh nghiệm thành công của mô hình thí điểm phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh Thái Bình (Điều 30).

Chương IV: Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình 

Chương này quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình; Trách nhiệm của MTTQVN và các tổ chức thành viên; Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ LĐ - TB và XH, Bộ GD và ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng và trách nhiệm của cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát.

Có 3 vấn đề nổi bật trong chương này là:

- Quy định cụ thể trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

- Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan chủ yếu đến vấn đề này được làm rõ; Đặc biệt là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Y tế...

- UBND cấp xã hàng năm phải báo cáo trước HĐND cùng cấp về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Quy định chỉ giới hạn báo cáo hàng năm ở cấp xã bởi vì đây là nơi nắm rõ nhất tình hình bạo lực gia đình và có biện pháp can thiệp kịp thời nhất và cũng là nơi mang đặc trưng văn hóa cộng đồng, họ hàng, làng xã của Việt Nam, do đó thúc đẩy hoạt động ở cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có hiệu quả củng cố gia đình Việt Nam. Việc báo cáo về tình hình bạo lực gia đình trước HĐND các cấp hay báo cáo QH, áp dụng như các vấn đề khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước mà hiện nay UBND các cấp và Chính phủ vẫn thực hiện.

Chương V: Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và khiếu nại, tố cáo

Trong chương này có quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo pháp luật thì còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý để giáo dục.

Chương VI: Điều khoản thi hành 

Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2008.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1945 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;