Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25-11-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2015. Xin nêu ra một số nội dung sửa đổi bổ sung liên quan đến công tác kiểm sát để Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên nghiên cứu; nhằm thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự đúng theo tinh thần của Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung.
Quy định về chủ thể được kiểm sát và cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân
Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.
Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể: Mở rộng đối tượng kiểm sát ngoài quyết định, hành vi của Chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì còn kiểm sát cả quyết định, hành vi của Tòa án trong thi hành án dân sự, như: cấp, chuyển giao bản án, quyết định v.v. Đồng thời kiểm sát cả các tổ chức, cá nhân liên quan.
Mặt khác, quy định rõ hơn các hình thức kiểm sát, gồm: Yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị. Trong 03 hình thức kiểm sát, riêng đối với kháng nghị thì cơ quan thi hành án dân sự phải trả lời và thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Những quy định mới về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án
Luật đã bổ sung người được thi hành án có quyền không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trong một số trường hợp khác. Quy định này được coi là một điểm mới rất tiến bộ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người được thi hành án, giảm gánh nặng cho người được thi hành án, nhất là đối với những người được thi hành án già cả, neo đơn, ốm đau, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, ở địa phương khác với người phải thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được thi hành án trong việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án đã được pháp luật công nhận.
Luật đã mở rộng, tạo điều kiện cho người được thi hành án không chỉ có quyền yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà còn có quyền được thông báo về thi hành án; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của mình. Quy định này, cùng với quy định về quyền được ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; quyền chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác và các quyền khác đã tạo điều kiện thiết thực cho đương sự có thêm cơ hội lựa chọn phương thức phù hợp để thi hành án, phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.
Quyền rất mới mà Luật đã bổ sung cho đương sự, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức thi hành án dân sự, tạo niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động thi hành án dân sự; đó là quyền được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ.
Những vấn đề mới trong việc xác minh điều kiện thi hành án
Theo tinh thần tại Điều 44, 44a và 45; Luật đã bỏ nghĩa vụ của người được thi hành án trong việc phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, chuyển hóa thành quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án; bỏ nghĩa vụ phải nộp chi phí xác minh. Như vậy, việc xác minh điều kiện thi hành án theo Luật sửa đổi là thuộc về trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí xác minh do Ngân sách Nhà nước chịu. Trường hợp kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng lỏng lẻo của công tác xác minh hiện nay, đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, Luật đã bổ sung quy định yêu cầu Chấp hành viên phải xuất trình thẻ Chấp hành viên; Chấp hành viên được quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết; được trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản, xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án phải thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp. Trường hợp từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, nhằm khắc phục các bất cập của Luật thi hành án dân sự 2008 và thực tiễn thực hiện Luật, tại Điều 44a, Luật sữa đổi, bổ sung năm 2014 đã làm rõ hơn thế nào là "chưa có điều kiện thi hành án" và việc công khai thông tin của người phải thi hành án trong một số trường hợp. Theo đó, việc chưa có điều kiện thi hành án thuộc 1 trong 3 trường hợp sau:
1- Khi người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án.
2- Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác;
3- Chưa xác minh được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành.
Những quy định mới và giới hạn về biện pháp bảo đảm thi hành án
Luật đã bổ sung vào Khoản 2 Điều 67 nội dung quy định về giới hạn của số tiền, tài sản bị phong tỏa nhằm tránh tình trạng tùy tiện phong toả toàn bộ tài khoản, tài sản làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, giao dịch bình thường của chủ tài khoản, tài sản. Mặt khác, trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, việc tẩu tán tiền trong tài khoản có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn, trong khi thủ tục để ban hành quyết định phong tỏa đòi hỏi phải có thời gian dài hơn, nên tại khoản 2 Điều này, Dự án Luật đã bổ sung quy định theo hướng:
Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó; trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Quy định này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án, hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản, nâng cao trách nhiệm của tổ chức đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời, tại Điều 68 đã bổ sung việc Chấp hành viên tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự phải ban hành Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ và xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ trong Quyết định này. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng thiếu rõ ràng, không thống nhất của Luật thi hành án dân sự 2008 vì không quy định Chấp hành viên phải ban hành quyết định mà chỉ yêu cầu lập biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ. Việc khẳng định hình thức áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong trường hợp này tạo điều kiện pháp lý vững chắc hơn cho Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ.
Đối với việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, Luật đã bổ sung quy định ngay tại thời điểm tạm giữ tài sản, Chấp hành viên phải yêu cầu đương sự, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng và thông báo cho đương sự và tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Quy định này nhằm giúp Chấp hành viên sớm xác định có hay không có tranh chấp đối với tài sản. Đồng thời, để thúc đẩy nhanh tiến trình tổ chức thi hành án, Luật quy định, trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản và yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch có liên quan đến tài sản theo quy định. Khi có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này để buộc người phải thi hành án chấp hành bản án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Đồng thời, nếu như có căn cứ xác định tài sản tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng.
Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung vừa mới được ban hành, việc nghiên cứu chưa được kỷ lưỡng; do đó bài viết không thể nêu hết những quy định mới của Luật hiện hành; Kính mong bạn đọc quan tâm vấn đề này tiếp tục nghiên cứu và cùng trao đổi, để khi Luật có hiệu lực thi hành, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự cơ bản nắm được những điểm mới của Luật sữa đổi bổ sung; nhằm thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự đúng pháp luật và đạt kết quả cao.
Nguồn: vienkiemsatquangbinh.gov.vn
- Từ khóa:
- Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014