Điểm mới Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 bao gồm 42 chương, 517 điều, trong đó, giữ nguyên 63 điều, sửa đổi, bổ sung 350 điều, bổ sung mới 104 điều, bãi bỏ 7 điều.

 

So với BLTTDS 2004 thì BLTTDS 2015 có những điểm mới đáng chú ý sau:

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng

Đây là một trong những điểm mới nổi bật của BLTTDS 2015, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cho nên mọi tranh chấp, khiếu kiện, mọi yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác thì tòa phải có trách nhiệm giải quyết, không được từ chối.

BLTTDS 2015 quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án; đồng thời không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS.

Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Để nâng cao trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát BLTTDS 2015 đã quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của hai cơ quan này. 

  • Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 
  • Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. 

Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 còn bổ sung thêm nội dung bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật gia đình vào trách nhiệm bảo vệ của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cơ quan trực tiếp quản lý người tiến hành tố tụng đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuân thủ nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng và công khai

Trong hoạt động xét xử, Tòa án phải tuân thủ nguyên tắc xét xử kịp thời và công bằng, đây là nguyên tắc được nhấn mạnh và cũng là điểm mới mà trước đây BLTTDS 2004 chưa đề cập tới.

Đối với những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.

Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, BLTTDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Đây là một khâu đột phá trong hoạt động tư pháp, một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung của BLTTDS.

Theo đó, việc tranh tụng được thực hiện từ khi khởi kiện thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án; đương sự được quyền tranh tụng trong các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài ra, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cũng như được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai).

Tòa án có trách nhiệm điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án hoặc quyết định.

Bổ sung thêm các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Ngoài những biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời mới như: 

  • Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi việc xuất cảnh này ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, việc bảo đảm thi hành án…;
  • Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

Đồng thời, bổ sung thêm quy định về sau khi đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án thì phải đồng thời quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6764 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;