Đây là một trong những điểm mới nổi bật được đề cập tại Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi.
Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi luật, kịp thời cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và danh dự của công dân, cũng như đảm bảo tính thống nhất với các bộ luật và luật hiện hành. Đồng thời, cũng cần sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để phù hợp thực tiễn cuộc sống khi các chính sách pháp luật có liên quan mật thiết với luật này đã có nhiều thay đổi.
Bổ sung quy định về quyền yêu cầu bồi thường
Ngoài người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã bổ sung thêm các đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường gồm:
- Người thừa kế của người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại chết;
- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Người ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại.
Dự thảo quy định cụ thể về cơ quan giải quyết bồi thường, một số trường hợp thì cơ quan gây thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường, còn lại, cơ quan giải quyết bồi thường sẽ là cơ quan cấp trên một cấp của cơ quan gây thiệt hại. Việc giải quyết bồi thường tại tại cơ quan giải quyết bồi thường cần phải được thực hiện kịp thời, nhanh chóng công khai trên cơ sở bình đẳng, thiện chí, trung thực, không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Người bị thiệt hại được quyền đề nghị tạm ứng bồi thường ngay
Người bị thiệt hại, người thừa kế (trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người thừa kế đó phải cử ra một người đại diện) hoặc là người đại diện của người bị thiệt hại khi làm hồ sơ yêu cầu bồi thường có thể dề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường đối với các thiệt hại có thể tính được mà không cần xác minh, thương lượng (nếu có).
Theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường về tạm ứng bồi thường, người giải quyết bồi thường ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được, sau đó đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường. Việc tạm ứng kinh phí bồi thường thực hiện:
- Trường hợp còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí và chi trả cho người yêu cầu bồi thường trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất
Trên cơ sở kinh phí đã tạm ứng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường. - Trong trường hợp không còn đủ dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường có văn bản đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền tạm ứng kinh phí để chi trả cho người yêu cầu bồi thường trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất.
Viêc bổ sung quy định được đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường ngay nhằm để bảo vệ quyền lợi của người dân một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những trường hợp do hoạt động tố tụng gây oan sai đẩy người dân vào cảnh không nhà cửa, nghèo đói, bệnh tật hiểm nghèo mà cứ chờ giải quyết khiếu nại và tố cáo kéo dài hàng năm trời.
Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (quy định theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 là 02 năm). Đồng thời quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện:
- Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự làm cho người bị thiệt hại không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;
- Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.
Người yêu cầu bồi thường phải chứng minh được khoảng thời gian không tính vào thời hiệu.
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).