Một số điểm mới của Luật hòa giải tại cơ sở

Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20/6/2013, Luật gồm 5 chương, 33 điều, quy định rõ nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 thay thế Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998. Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã bổ sung thêm một số quy định mới quan trọng trong công tác hòa giải như sau:

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Về phạm vi hòa giải: Đây là một điểm mới quan trọng so với Pháp lệnh, Luật quy định phạm vi hòa giải theo hướng loại trừ, chỉ quy định các trường hợp không được hòa giải. Trên cơ sở đó Điều 3 Luật Hòa giải cơ sở, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn tranh chấp, vi phạm pháp luật trừ các trường hợp sau: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

So với Pháp lệnh, Luật bổ sung quy định chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, trong đó khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác. Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Một điểm mới quan trọng so với Pháp lệnh là Luật khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở, thể hiện đúng bản chất của hòa giải là tự nguyện và tự quản, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Quy định về hòa giải viên là một điểm mới của Luật, so với Pháp lệnh, các quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên; thủ tục bầu, công nhân hòa giải viên và các trường hợp thôi làm hòa giải viên trong Luật có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong đó người được công nhận là hòa giải viên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chuẩn: là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải; Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Việc bầu hòa giải viên sở sơ sở nhằm tăng cường dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp lựa chọn người có uy tín, năng lực làm hòa giải viên. Luật quy định bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình. Người được bầu hòa giải viên phải được trên 50 % đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý. Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch UBND cấp xã ra Quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

Nhằm giúp hòa giải viên tránh tình trạng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" Luật đã bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên nhằm khuyến khích đội ngũ hòa giải viên, trong đó quy định được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải...cũng như một số nghĩa vụ cho phù hợp với tình hình mới, khắc phục hạn chế, bất cập của đội ngũ hòa giải viên hiện nay. Việc quy định nhiều quyền lợi của hòa giải viên hơn so với Pháp lệnh xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của hoạt động hòa giải cơ sở thời gian qua, đồng thời khẳng định những đóng góp không nhỏ của hòa giải viên trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.

Một điểm mới trong Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 là đưa vấn đề bình đẳng giới vào nguyên tắc hoạt động hòa giải. Theo đó công tác hòa giải phải bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động. Nguyên tắc này nhằm thực hiện pháp luật bình đẳng giới, đồng thời khắc phục tình trạng có nơi, có lúc còn phân biệt đối xử về giới trong thực tiễn hoạt động hòa giải.

Về hoạt động hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở đã bổ sung thêm một số điểm mới cụ thể là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động hòa giải. Đây là một trong những điểm mới của Luật. Theo đó, Điều 17 quy định các bên có quyền lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải. Đồng thời hòa giải viên có nghĩa vụ trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc, cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan; tôn trọng hòa giải viên, quyền và các bên có liên quan; không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải. Luật còn quy định việc phân công hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải; quy định này nhằm huy động, khuyến khích mọi người trong xã hội tích cực tham gia giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra còn bổ sung trách nhiệm của hòa giải viên theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 và thay thế Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
750 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;