“Vợ chồng B nợ tôi 200 triệu đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm trả nợ vì lấy lý do đã ly hôn, nhưng qua tìm hiểu thì 02 vợ chồng vẫn chung sống với nhau. Vậy, vợ chồng B có phải ly hôn giả tạo để trốn nợ không? Và nếu phải thì pháp luật xử lý như thế nào về trường hợp này” - Đây là câu hỏi của anh N.V.T gửi về cho THƯ KÝ LUẬT.
- Những trường hợp bắt buộc phải thông qua hòa giải khi giải quyết tranh chấp
- 04 trường hợp vợ chồng ly hôn không cần thực hiện thủ tục hòa giải
Ly hôn giả tạo để trốn nợ sẽ bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)
Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đồng thời, tại Điều 55 và Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định có 02 trường hợp ly hôn sau đây:
- Thuận tình ly hôn: trường hợp vợ chồng tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
- Ly hôn theo yêu cầu của một bên: trường hợp vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Bên cạnh đó, tại khoản 15 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Như vậy, theo quy định trên, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp ly hôn giả tạo nhằm mục đích khác chứ không phải do cuộc hôn nhân trầm trọng và không thể kéo dài. Theo đó, ly hôn giả tạo là hành vi lợi dụng ly hôn nhằm mục đích:
-
Trốn tránh nghĩa vụ tài sản (Ví dụ: vợ chồng ly hôn giả tạo nhằm giao hết tài sản cho một bên và trốn tránh trách nhiệm trả nợ);
-
Vi phạm chính sách, pháp luật về dân số (Ví dụ: vợ chồng ly hôn giả tạo để sinh con thứ 3, 4, 5,…);
-
Để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Do đó, trong trường hợp của vợ chồng anh B đã ly hôn nhưng vẫn chung sống với nhau thì có thể được xem là ly hôn giả tạo. Nếu trường hợp này thật sự vợ chồng anh B đã lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản (nghĩa vụ trả nợ) chứ không phải vì tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài thì vợ chồng anh B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền có thể lên đến 20 triệu đồng. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân hoặc lừa dối ly hôn.
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”
Vì vậy, khi phát hiện vợ chồng anh B có hành vi ly hôn giả tạo, anh N.V.T có thể tố cáo hành vi trái pháp luật này. Đồng thời, nộp đơn khởi kiện lên tòa án nơi vợ chồng anh B sinh sống để yêu cầu giải quyết khoản nợ chung của 2 vợ chồng, dù cả hai đã ly hôn nhưng đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho anh T.
Ty Na