Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Những nội dung đáng quan tâm (Kỳ 1)

Ngày 19/6/2014, Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và gia đình để thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và có một số quy định mới.

Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

Có 5 nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình ở nước ta được quy định tại Điều 2 là:

“1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”.

Năm nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà chúng tôi trình bày ở trên được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình để mọi cá nhân, tổ chức biết và thực hiện đầy đủ, đúng đắn.

Về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm đã có từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến năm 2014 pháp luật nước ta mới công nhận việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là hợp pháp và được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.

Việc xác định cha mẹ đối với người con được sinh ra bằng kỹ thuật số hỗ trợ sinh sản được quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nội dung như sau:

“Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.

Nội dung quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc xác định cha, mẹ đối với con như sau: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Khoản 3 Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định về trường hợp người phụ nữ sống độc thân mà sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

Việc mang thai hộ

Những năm gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về mang thai hộ không vì mục đích thương mại và mang thai hộ vì mục đích thương mại và đã phát sinh tranh chấp về hỗ trợ sinh sản, về giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ và việc xác định cha mẹ của đứa trẻ sinh ra do nhờ mang thai hộ… nhưng không có căn cứ pháp luật giải quyết. Đây là vấn đề đời sống xã hội cần được pháp luật quy định để người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ yên tâm. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã giải quyết vấn đề mang thai hộ và mang thai hộ có 2 trường hợp.

Trường hợp 1: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là “việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Trường hợp 2: Mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo quy định tại khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì mang thai hộ vì mục đích thương mại là: “việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”.

Như vậy là, theo quy định tại các Điều 88, 93 và Điều 94 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có 3 loại con được pháp luật công nhận là: Con sinh ra tự nhiên trong thời gian được quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (việc xác định cha mẹ cho người con được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (việc xác định cha, mẹ cho người con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện theo quy định tại Điều 94 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Căn cứ để phân biệt giữa người con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với người con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định tại khoản 21 và khoản 22 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(Còn nữa)

Nguồn: congly.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1109 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;