Không giải quyết khiếu nại sẽ bị kỷ luật

Quá thời gian mà không thụ lý giải quyết, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ bị kỷ luật.

Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị định (do Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ) thay thế Nghị định số 75 của Chính phủ về thi hành Luật Khiếu nại 2011.

Theo Điều 5 Luật Khiếu nại 2011, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

luật khiếu nại 2011

Hình minh họa (nguồn internet)

Trên thực tế, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật từ phía người giải quyết khiếu nại nhưng việc xử lý còn khó khăn do luật chưa quy định chế tài.

Một vấn đề khác là quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết lần hai đối với trường hợp khiếu nại lần đầu nhưng quá thời hạn mà không được giải quyết. Trường hợp này người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại.

Dự thảo nghị định quy định theo hướng người có thẩm quyền giải quyết lần hai không thụ lý giải quyết mà có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu phải giải quyết. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ yêu cầu giải quyết, trách nhiệm báo cáo về kết quả giải quyết, trình bày rõ lý do về việc chậm giải quyết với người có thẩm quyền. Việc chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu được thông báo cho người khiếu nại, người bị khiếu nại.

Thực tiễn việc không giải quyết khiếu nại gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của công dân. Do đó, gặp trường hợp người có thẩm quyền không giải quyết khiếu nại, người dân chỉ biết gửi đơn đến cấp cao hơn. Khi cấp trên của người có thẩm quyền cũng không xem xét thì người dân không biết phải nhờ nơi nào giải quyết khiếu nại của mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc, khiếu kiện gay gắt, phức tạp kéo dài, làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan hành chính nhà nước.

Điều 40 (áp dụng hình thức xử kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại), dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về xử lý vi phạm. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết, người được giao nhiệm vụ xác minh, người tổ chức thi hành, người khiếu nại khi những chủ thể này có hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo đã quy định chi tiết chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Đó là những hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc khi họ vi phạm như: Quá thời gian mà không thụ lý giải quyết, không ban hành quyết định giải quyết, bao che cho người khiếu nại, sách nhiễu phiền hà, không tổ chức đối thoại, đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại.

Nguồn: Đại Hưng - plo.vn

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
437 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;