Khi nào một công dân bị tước quốc tịch Việt Nam?

Trong trường hợp nào một công dân có thể bị tước quốc tịch Việt Nam? Bị tước quốc tịch có được quay trở lại quốc tịch Việt Nam không? - Song Thi (Đà Nẵng)

Khi nào một công dân bị tước quốc tịch Việt Nam?

Khi nào một công dân bị tước quốc tịch Việt Nam? (Hình từ Internet)

1. Trường hợp nào công dân bị tước quốc tịch Việt Nam?

Theo quy định tại Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nêu trên.

2. Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam

Điều 22 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam như sau:

- Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì hồ sơ gồm có:

+ Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện về việc tước quốc tịch Việt Nam;

+ Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;

+ Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có.

- Trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi quy định khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người đó thì hồ sơ gồm có:

+ Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam; 

+ Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.

3. Thủ tục tước quốc tịch Việt Nam

Thủ tục tước quốc tịch Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, cụ thể bao gồm các bước sau:

Bước 1: Xác minh đơn, thư tố cáo về hành vi gây phương hại quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008

Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.

Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó. 

Bước 2: Gửi hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam

Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. 

Bước 3: Thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Bước 4: Ra quyết định tước quốc tịch Việt Nam

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

4. Người bị tước quốc tịch có được trở lại quốc tịch Việt Nam không?

Căn cứ khoản 3 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

5. Xác định quốc tịch của con thế nào khi cha mẹ bị tước quốc tịch?

Điều 36 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định khi cha mẹ hoặc một trong hai người bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì quốc tịch của con chưa thành niên không thay đổi.

Như Mai

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6674 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;