Kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ án Dân sự: 03 điểm cần biết

Kháng nghị giám đốc thẩm là phương thức kiểm soát của Tòa án cấp trên đối với hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới trong việc giải quyết các vụ án, đồng thời là phương tiện để người dân tìm đến công lý trong giải quyết các tranh chấp và để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Dưới đây là 03 điểm cần biết về kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ án dân sự.

Kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ án Dân sự: 03 điểm cần biết

Kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ án Dân sự: 03 điểm cần biết (Ảnh minh họa)

1. Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Theo quy định của pháp luật hiện hành, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cụ thể, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

2. Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm

Hiện nay pháp luật quy định có bốn người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, bao gồm:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

3. Thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm

Điều 329 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định rõ về thủ tục nhận đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo đó, Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.

- Tòa án, Viện kiểm sát chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung quy định tại Điều 328 của Bộ luật TTDS.

Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật này thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.

- Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định kháng nghị.

Trường hợp không kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

- Đơn đề nghị và tài liệu chứng cứ kèm theo của cá nhân, cơ quan tổ chức khác được thực hiện theo Điều 1 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/10/2013 của TAND tối cao, VKSND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

- Pháp luật hiện nay quy định các trường hợp kháng nghị thông thường sẽ trong thời hạn 3 năm. Ngoại lệ các trường hợp sau sẽ có thời hạn kéo dài thêm 2 năm, cụ thể:

  • Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và sau khi hết thời hạn kháng nghị 3 năm đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị.

  • Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

 Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6348 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;