Ngày 24/6 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 91/2016/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017. Theo đó, công tác xây dựng dự toán NSNN năm tiếp theo được thực hiện dựa trên đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2016.
Việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2016 dựa trên những căn cứ thực tiễn, diễn biến giá cả thị trường kết quả thu được, dự báo tình hình tương lai cùng các yếu tố tác động liên quan đến thu và chi NSNN được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thông qua.
Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016:
Một là, tổ chức đánh giá, phân tích từng nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2016 như thuận lợi, khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp; sự tăng, giảm vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; khả năng tiếp cận vốn tín dụng thực hiện các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu của các doanh nghiệp và diễn biến thị trường bất động sản.
Đặc biệt quan tâm đến giá dầu thô, giá hàng hóa nông sản hoặc những tác động tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở một số tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ. Đồng thời thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hai là, đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN thông qua hoạt động quản lý thuế như:
- Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế; biểu mức thuế suất thuế tài nguyên;...
- Tình hình xử lý và thu hồi nợ đọng thuế; rà soát, xác định chính xác số nợ thuế đến ngày 31/12/2015, dự kiến số nợ phát sinh trong năm 2016, số nợ thuế được xóa, số nợ thuế thu hồi trong năm 2016 và số nợ thuế đến ngày 31/12/2016.
- Tình hình kê khai, số hoàn thuế GTGT phát sinh, số dự kiến hoàn cho doanh nghiệp trong năm 2016 gắn với tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT và xử lý thu hồi tiền hoàn thuế GTGT sai quy định, đặc biệt là đánh giá tác động đến số chi hoàn thuế GTGT năm 2016 và số thu NSNN khi thực hiện các nội dung liên quan đến khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định pháp luật.
Ba là, kết quả phối hợp giữa các Bộ, cơ quan chức năng có liên quan trong công tác quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thu NSNN, bán đấu giá tài sản Nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; tồn tại, vướng mắc và giải pháp khắc phục.
Bốn là, kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt và tịch thu khác 6 tháng đầu năm và ước cả năm 2016.
Tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên
Trong công tác chi đầu tư phát triển, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tập trung đánh giá các nội dung liên quan đến:
- Công tác bố trí và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2016 đối với các dự án đầu tư công, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đầu tư xây dựng cơ bản;
- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi hỗ trợ phát triển thông qua tình hình thực hiện tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước; chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; tín dụng học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2016 về mua, bán, nhập, xuất, luân phiên đổi hàng, xuất cấp hàng dự trữ quốc gia;
- Đánh giá tình hình nhiệm vụ chi thường xuyên chú trọng vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; lĩnh vực y tế;
- Ngoài ra, chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG), chương trình Mục tiêu (CTMT) giai đoạn 2016-2020.
Thông tư 91/2016/TT-BTC nêu rõ năm 2017 là năm thứ hai của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, là năm đầu triển khai Luật NSNN năm 2015 và cũng là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020, nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2020. Việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2017 được chú trọng. Trong đó:
Xây dựng dự toán thu NSNN năm 2017 được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành; tổng hợp đầy đủ các Khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các Khoản thu khác vào NSNN theo quy định của Luật NSNN năm 2015; trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2016, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2017 có tính đến các yếu tố tác động trong và ngoài nước; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi, bổ sung và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; yếu tố tăng thu từ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, các Khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tăng thu từ chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các Khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi.
Xây dựng dự toán chi NSNN tập trung vào các nội dung như sau:
- Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.
- Xây dựng dự toán chi dự trữ quốc gia: Các bộ, cơ quan trung ương quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch mua tăng, xuất giảm, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia và xây dựng dự toán NSNN chi mua hàng dự trữ quốc gia năm 2017 trên tinh thần tiết kiệm, tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thiết yếu, tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; ưu tiên các mặt hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói, phục vụ quốc phòng - an ninh.
- Xây dựng dự toán chi thường xuyên phải đảm bảo theo từng lĩnh vực, đảm bảo đúng chính sách, chế độ và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017.
- Xây dựng dự toán chi thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG), các chương trình Mục tiêu (CTMT) phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và tiêu chí, định mức phân bổ chi ĐTPT nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020;
- Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi phải đảm bảo phù hợp với tiến độ giải ngân đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, khả năng thực hiện. Hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán được giao trong tổ chức thực hiện. Đối với các chương trình, dự án mới, chỉ triển khai nếu thực sự hiệu quả, phù hợp với khả năng giải ngân vốn ODA theo các Hiệp định đã ký và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Bố trí dự phòng NSNN để chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán.
Xem chi tiết tại Thông tư 91/2016/TT-BTC.
- Từ khóa:
- Thông tư 91/2016/TT-BTC
- Dự toán NSNN