Để đảm bảo hiệu quả thực thi các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Bộ luật dân sự 2015 sắp có hiệu lực Bộ Tư pháp đã và đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm.
Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017 đưa ra nhiều nội dung đổi mới, trong đó có đề cập đến nội dung giao dịch bảo đảm.
Theo Dự thảo Nghị định, giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 292 Bộ luật dân sự 2015. Trong đó:
- Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng uy tín hoặc cam kết thực hiện công việc đối với bên nhận bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chính mình hoặc của người khác, bao gồm: bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh, tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp, bên mua trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu, bên có nghĩa vụ trong trường hợp cầm giữ.
- Bên nhận bảo đảm là bên có quyền trong quan hệ dân sự mà việc thực hiện quyền đó được bảo đảm bằng tài sản, uy tín hoặc cam kết thực hiện công việc của bên bảo đảm, bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên có quyền trong trường hợp ký quỹ, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp, bên bán trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu, bên cầm giữ tài sản trong trường hợp cầm giữ.
Tài sản bảo đảm trong giao dịch bảo đảm chính là quyền đối với tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương. Dự thảo Nghị định nêu rõ:
- Các quyền tài sản được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm, quyền bồi thường thiệt hại, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên,quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm.
- Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
- Tài sản được hình thành từ vốn vay;
- Tài sản chưa hình thành, đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;
- Tài sản đã hình thành và pháp luật có quy định về đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký lưu hành phương tiện nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Không bao gồm quyền sử dụng đất.
So với quy định hiện hành, Điều 292 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, như vậy bổ sung thêm 02 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản.
Trong quan hệ bảo lưu quyền sở hữu, Dự thảo Nghị định đã làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của bên mua như sau:
- Bên mua được quyền sử dụng, khai thác tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Điều 333 Bộ luật Dân sự.
- Bên mua tài sản không được bán tài sản, cho thuê tài sản hoặc dùng tài sản đã mua để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quan hệ cầm giữ tài sản được xác lập khi bên cầm giữ đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Cầm giữ tài sản cũng là biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Theo đó, cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Xem thêm quy định xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm tại Dự thảo Nghị định.