Dự thảo Luật đấu giá tài sản đang được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gấp rút hoàn thành để thay thế các quy định đấu về giá tài sản thực hiện theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, vốn đã cũ và có nhiều bất cập.
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này. Dự thảo Luật Đầu giá tài sản mới (tạm gọi là Dự thảo Luật 2016) có nhiều điểm mới so với Dự Luật Đấu giá ban hành năm 2015 (tạm gọi là Dự thảo Luật 2015) và Nghị định 17/2010/NĐ-CP.
Về nguyên tắc, Dự thảo Luật 2016 điều chỉnh tất cả các hoạt động liên quan đến đấu giá tài sản, việc đấu giá tài sản phải tuân thủ theo quy định, trình tự thủ tục luật định, các hoạt động tự tổ chức đấu giá sẽ không được công nhận. Như vậy, khi cá nhân, tổ chức có tải sản muốn đấu giá bắt buộc phải thuê công ty hoạt động đấu giá để tổ chức theo quy định
- Nghiêm cấm cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình để hành nghề đấu giá (Điểm a Khoản 1 Điều 8)
- Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá trái quy định của pháp luật; (Điểm d Khoản 1 Điều 8)
Quy định bắt buộc đấu giá đối với nợ xấu
Quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định 17/2010/NĐ-CP và Khoản 6 Điều 2 Dự thảo Luật 2015 cùng quy định “Tài sản đấu giá là động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.”. Tại Dự thảo Luật 2016, tài sản đấu giá được dành riêng quy định tại Điều 3 theo đó:
Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá bao gồm:
Tài sản:
- Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
- Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ
- Tài sản bảo đảm trong giao dịch bảo đảm;
- Nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua;
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước
- Hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
- Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
- Tài sản cố định của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản
Quyền tài sản:
- Quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
- Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
- Quyền sử dụng đất
- Các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá
Ngoài ra, tài sản đấu giá còn các tài sản do cá nhân, pháp nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.
Có thể thấy danh mục các tài sản buộc phải tổ chức bán đấu giá đưược Dự thảo Luật 2016 thông qua hầu hết là tài sản công hoặc tài sản của các tổ chức tín dụng trong đó có nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua. Ngoài ra, quy định tại Điều 54 Dự thảo này, “Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty đã mua.“ Đây có thể xem là một “ưu tiên gây tranh cãi“ mà Dự thảo Luật 2016 đã ban cho Công ty Quản lý tài sản của tổ chức Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) so với các doanh nghiệp khác.
Một phiên đấu giá (Ảnh minh họa)
Cho phép đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác
Quy định tại Điều 21 Dự thảo, có thể xem việc tổ chức đấu giá tài sản là một loại hình kinh doanh có điều kiện bởi doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đăng ký hoạt động đấu giá tải sản phải đáp ứng điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất:
Doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty hợp danh có tối thiểu một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh là đấu giá viên;
Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.
Như vậy, Dự thảo mới đã bãi bỏ quy định cấm “Doanh nghiệp đấu giá tài sản không đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác”, đây là một bước đi hợp lí trong tiến trình xây dựng và phát triển quyền tự do kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Vì Doanh nghiệp hoạt động đấu giá tài sản cũng hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp và quy định cấm chỉ xuất phát từ sự e ngại các hoạt động kinh doanh khác sẽ ảnh hưởng đến điều kiện và năng lực tham gia đấu giá của doanh nghiệp.