Đánh ghen là cách gọi thông thường để chỉ hành vi bằng lời nói hoặc hành động của một người đối với người mà họ cho là có quan hệ tình cảm bất chính với vợ hoặc chồng của mình. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi, người đánh ghen có thể bị phạt hành chính thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Vậy tại sao không đánh ghen đúng pháp luật?
Đánh ghen đúng luật: Tại sao không? (Ảnh minh họa)
1. Không làm nhục đối phương, dù chỉ bằng lời nói
Trường hợp người đánh ghen có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng chưa đến mức độ phải xử lý hình sự sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Nếu cùng hành vi này nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội làm nhục người khác. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù cao nhất đến 05 năm.
Do đó, người đánh ghen đúng luật không được có hành vi khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác dù chỉ bằng lời nói, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Không được tụ tập đông người cùng mình đánh ghen
Việc lôi kéo nhiều người cùng tham gia đánh ghen với mình tại nơi công cộng tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng. Hoặc có thể bị xử phạt về hành vi lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Như vậy, người đánh ghen cần lưu ý đừng dại dột lôi kéo anh, chị, em, bạn bè vào cuộc đánh ghen cùng mình để rồi phải hối tiếc khi bị xử phạt.
3. Tuyệt đối không đánh nhau, gây thương tích cho đối phương
Nếu có hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của “tình địch”, người đánh ghen có thể sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định của điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trường hợp đánh ghen gây thương tích cho đối phương thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự hiện hành. Nếu gây ra thương tích cho đối phương từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: dùng a-xít hoặc hóa chất nguy hiểm, dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật nhẹ cho đối phương,… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; trường hợp tỷ lệ thương tích trên 30% thì khung hình phạt của tội này cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, đánh ghen dẫn đến chết người có thể bị xử lý hình sự về tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
4. Nên sử dụng quyền tố cáo ra chính quyền địa phương hoặc công an để xử lý
Không được có hành vi làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của đối phương; không được dùng dùng vũ lực đánh nhau, thuê người gây tổn hại sức khỏe, gây thương tích cho đối phương nhưng người đánh ghen còn có một công cụ rất hiệu quả, đúng pháp luật để sử dụng đánh ghen. Đó là tố cáo hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của “tình địch” và vợ hoặc chồng của mình ra chính quyền địa phương hoặc công an để xử lý.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người nào đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, người chưa có vợ hoặc chồng chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc chồng sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Người nào đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự hiện hành, với mức hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Thực tế, rất nhiều người khi gặp trường hợp vợ hoặc chồng của mình ngoại tình nhưng khi được tư vấn đề nghị gửi đơn tố cáo ra chính quyền địa phương hoặc công an để giáo dục, xử lý thì đa phần đều không đồng ý, để tự mình giải quyết hoặc cam chịu. Khi sự chịu đựng đã lên tới đỉnh điểm, hành động đánh ghen bộc phát của họ là không thể tránh khỏi. Để rồi từ nạn nhân của việc ngoại tình họ lại là những người có hành vi vi phạm pháp luật. Bình tĩnh suy xét, nhìn nhận vấn đề, áp dụng đúng pháp luật để giải quyết sự việc sẽ giúp cho những người này tránh được những rủi ro không đáng có.
Đức Thảo
- Từ khóa:
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP