Con bị cha mẹ từ mặt có quyền hưởng di sản thừa kế không?

Thực tế, việc cha mẹ "từ mặt" con chủ yếu xuất phát từ việc xung đột trong gia đình dẫn đến cha mẹ muốn cắt đứt quan hệ giữa cha/mẹ và con. Vậy trường hợp con đã bị cha mẹ từ mặt có quyền hưởng di sản thừa kế không?

quyền hưởng di sản thừa kế, Bộ Luật Dân sự 2015

Con bị cha mẹ từ mặt có quyền hưởng di sản thừa kế không? (Ảnh minh họa)

Trước tiên, về mặt pháp lý hành vi "từ mặt" con vẫn chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, việc cha mẹ từ mặt con chỉ là hành vi xảy ra trên thực tế, về mặt pháp luật thì hành vi này không thể chấm dứt mối quan hệ giữa cha mẹ với con, cũng như không thể chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Cụ thể, tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Đồng thời, việc "từ mặt" con không làm cắt đứt quan hệ giữa cha mẹ và con nên con vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Do đó, việc “từ mặt” con không làm ảnh hưởng đến quyền hưởng di sản thừa kế của người con đã bị bố mẹ mình từ mặt. Nếu không có di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp, lúc này di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Người con sẽ được quyền hưởng di sản thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất.

Tuy nhiên, trường hợp cha mẹ có để lại di chúc và di chúc hợp pháp thì việc phân chia tài sản thừa kế sẽ theo di chúc, tuân theo ý chí của người để lại di chúc theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015:

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản

Theo đó, cha mẹ có quyền truất quyền hưởng di sản thừa kế của con, tuân theo ý chí của người để lại di sản thừa kế người con sẽ không còn quyền hưởng di sản thừa kế.

Tuy nhiên, cần lưu ý những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Trừ trường hợp,

  • Người đó từ chối nhận di sản;

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Như vậy, việc “từ mặt” con chưa được pháp luật công nhận, do đó khi muốn đứa con không được quyền hưởng di sản thừa kế của mình thì cha, mẹ nên lập di chúc phân chia di sản. Trường hợp cha mẹ không lập di chúc hoặc di chúc được lập không hợp pháp thì người con bị "từ mặt" vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1609 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;