Xin cho tôi hỏi cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là gì? Có bao nhiêu biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp? - Văn Trương (Quảng Nam)
Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là gì? Các biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là gì?
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Lý lịch tư pháp 2009, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin về án tích, tình trạng thi hành án; về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản được cập nhật và xử lý theo quy định Luật Lý lịch tư pháp 2009.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn.
Việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải tuân theo các quy định Luật Lý lịch tư pháp 2009 và Nghị định 111/2010/NĐ-CP.
(Điều 3 Nghị định 111/2010/NĐ-CP)
2. Các biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Cụ thể tại Điều 23 Nghị định 111/2010/NĐ-CP, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh đối với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như sau:
(1) Các biện pháp bảo vệ chung:
- Các biện pháp phòng, chống đột nhập, trộm cắp dữ liệu;
- Các biện pháp phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống thiên tai.
(2) Các biện pháp bảo vệ đối với hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy:
- Xây dựng hoặc bố trí kho lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định;
- Trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo quản hồ sơ;
- Duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với hồ sơ;
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống côn trùng, nấm mốc, khử a xít và các tác nhân khác gây hư hỏng hồ sơ;
- Tu bổ, phục chế hồ sơ khi bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị hư hỏng.
(3) Các biện pháp bảo vệ đối với dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử:
- Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu;
- Các biện pháp bảo đảm an ninh mạng.
3. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
3.1. Nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Theo Điều 12 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có các nhiệm vụ sau đây:
- Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.
- Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.
- Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp cung cấp.
- Tiếp nhận Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cung cấp.
- Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp.
- Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.
- Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.
3.2. Nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Cụ thể tại Điều 13 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như sau:
- Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Toà án, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cung cấp.
- Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.
- Cung cấp Lý lịch tư pháp và thông tin bổ sung cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp khác.
- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương.
- Từ khóa:
- cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp