Có được ủy quyền cho người khác thay mặt mình trong vụ án ly hôn?

Thực tế hiện nay, việc ủy quyền cho người khác thay mặt mình giải quyết công việc ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, ly hôn là quyền nhân thân của mỗi người được pháp luật Dân sự quy định. Vậy, có được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia vào vụ án ly hôn hay không?

Có được ủy quyền cho người khác thay mặt mình trong vụ án ly hôn?

Có được ủy quyền cho người khác thay mặt mình trong vụ án ly hôn? (Ảnh minh họa)

Đối với một vụ án ly hôn, thông thường Tòa án sẽ được yêu cầu giải quyết một hoặc toàn bộ các vấn đề sau:

- Yêu cầu được ly hôn;

- Yêu cầu được nuôi con chung, việc cấp dưỡng;

- Yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung.

Tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình là “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình”.

Đồng thời tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện

Như vậy, đối với vụ án ly hôn mà vợ/chồng chỉ yêu cầu được ly hôn, nuôi con chung và cấp dưỡng nuôi con chung mà không yêu cầu về việc phân chia tài sản, thì vợ/chồng không thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng trong vụ án mà phải tự mình đến Tòa án để tham gia vào quá trình giải quyết vụ án trên.

Tuy nhiên, đối với những vụ án mà các bên có thêm yêu cầu về việc chia tài sản chung, nợ chung khi ly hôn thì việc giải quyết yêu cầu về tài sản chung, nợ chung vẫn tiến hành theo thủ tục các vụ án dân sự thông thường khác. Do đó, đối với trường hợp này vợ/chồng hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện tham gia tố tụng. Bởi vì, luật chỉ không cho phép ủy quyền trong việc ly hôn, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình chứ không cấm ủy quyền trong các vấn đề khác.

Ngoài ra, với quy định của pháp luật như đã nêu trên đây, vợ/chồng trong vụ án ly hôn không có yêu cầu về việc chia tài sản chung, nợ chung còn có thể ủy quyền cho bên thứ ba thay mặt mình thực hiện các công việc sau mà pháp luật không cấm. Bao gồm:

- Chuẩn bị đơn ly hôn

- Chuẩn bị hồ sơ

- Nộp đơn, nộp tạm ứng án phí và nhận hoàn trả tạm ứng án phí, nộp các văn bản bổ sung tài liệu, chứng cứ của vụ án tại Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác.

- Nhận kết quả xử lý đơn; các văn bản tố tụng về việc giải quyết vụ án của Tòa án.

- Liên hệ với Tòa theo thông báo hoặc Giấy triệu tập của Tòa án……

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1973 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;