Có được quyền tự ý thay đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký kết?

Gần đây, vấn đề tự cắt giảm tiền thuê nhà rồi đơn phương thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng với các chủ nhà của Thế Giới Di Động đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận về tính đúng đắn ở cả khía cạnh tình và lý. Vậy pháp luật có cho phép một bên tự ý chấm dứt hợp đồng đã ký với đối tác không?

Có được quyền tự ý thay đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký kết?

Có được quyền tự ý thay đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký kết? (Ảnh minh họa)

Phải thỏa thuận nếu muốn thay đổi, chấm dứt Hợp đồng

Tại Điều 401 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định từ thời điểm thực hiện xong việc giao kết hợp đồng, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, có nghĩa là một bên trong Hợp đồng chỉ được tự ý sửa đổi, chấm dứt Hợp đồng nếu tại Hợp đồng có quy định về điều khoản cho phép các bên được tự ý thực hiện việc sửa đổi, chấm dứt trong một số trường hợp nhất định. Trường hợp trong Hợp đồng không tồn tại điều khoản nêu trên thì các bên chỉ được sửa đổi hoặc chấm dứt Hợp đồng đã ký khi có sự thỏa thuận riêng về việc sửa đổi, chấm dứt đó hoặc một trong các bên được chứng minh là đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cơ bản của Hợp đồng.

Ngoài ra, theo Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 còn cho phép một bên nếu không thỏa thuận được về việc sửa đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký kết với bên còn lại thì có thể áp dụng quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để yêu cầu Tòa án thực hiện sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng.

Như vậy, một bên trong Hợp đồng nếu muốn sửa đổi hoặc chấm dứt Hợp đồng đã ký kết thì phải thực hiện thỏa thuận và được sự đồng ý của bên còn lại về việc này (có thể thỏa thuận trong hoặc ngoài Hợp đồng đã ký), hoặc phải chứng minh rằng bên kia đã vi phạm điều khoản cơ bản trong Hợp đồng; hoặc phải chứng minh là bên mình đang thực hiện Hợp đồng trong “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để yêu cầu Tòa án sửa đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký. Ngoài những trường hợp này thì việc một bên nào đó trong Hợp đồng tự ý thay đổi nội dung, hay tự ý chấm dứt Hợp đồng đều phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm nghĩa vụ của mình đối với bên còn lại.

“Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong bối cảnh Covid-19: Cái “cớ” để có thể điều chỉnh Hợp đồng

Pháp luật dân sự hiện nay cho phép một bên, khi bị ảnh hưởng bất lợi do “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, có thể yêu cầu Tòa án sửa đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký kết với bên còn lại.

Theo Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015, một hoàn cảnh được xem là thay đổi cơ bản khi xuất hiện đầy đủ các điều kiện bao gồm:

(i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

(ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

(iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

(iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

(v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Theo quy định này, khi chứng minh rằng mình đang thực hiện Hợp đồng trong hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên bị bất lợi phải làm rõ “hoàn cảnh” đó xảy ra mà các bên không thể nhìn thấy trước hoặc dự đoán trước vào thời điểm giao kết hợp đồng và phải xảy ra sau khi ký kết hợp đồng.“Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” bởi một nguyên nhân khách quan (các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước) đã ảnh hưởng đến bên đó như thế nào. Bên bị bất lợi trong hợp đồng cũng cần xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, bên đó không thể dự liệu được những thiệt hại phát sinh mà mình gặp phải.

Bên bị ảnh hưởng cần nêu rõ và chứng minh sự thiệt hại đã làm cho doanh nghiệp không thể đạt được mong muốn khi ký và thực hiện hợp đồng với bên còn lại như doanh thu sụt giảm đáng kể, không có khả năng để trang trải tiền thuê mặt bằng, thanh toán lương cho công nhân…

Ngoài ra, bên bị bất lợi trong hoàn cảnh thay đổi cần phải chứng minh và chỉ ra được với đối tác rằng “Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng” cho doanh nghiệp mình. Và cho dù bên bị bất lợi đã “áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép”, chẳng hạn như thu hẹp hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động hay thay đổi phương thức kinh doanh, cấu trúc lại doanh nghiệp nhưng vẫn không thể có doanh thu tương ứng với chi phí để duy trì hoạt động theo hợp đồng đã ký.

Dịch COVID-19 là sự kiện khách quan tác động lớn tới hoạt động kinh tế, mối quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể. Dịch bệnh đã tác động phần nào tới nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhu cầu và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp.Bên cạnh đó,Thủ tướng Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo, UBND một số tỉnh cũng có những văn bản, biện pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa Dịch COVID-19 lây lan tại địa phương nên đã gây ra những hạn chế về giao thương giữa các địa phương hay giữa các quốc gia. Thực tiễn này đã làm cho hoạt động kinh tế nói chung bị ảnh hưởng nặng nề và có thể dẫn tới sự thay đổi hoàn cảnh mà các bên không lường trước được khi ký hợp đồng trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Đặt trong từng bối cảnh, trường hợp cụ thể, dịch bệnh Covid-19 và các văn bản chỉ đạo từ trung ương và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch có thể được coi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để các bên ngồi lại với nhau thảo luận về sự điều chỉnh một số nội dung trong Hợp đồng cho phù hợp.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì Tòa án mới là chủ thể có thẩm quyền để sửa đổi, chấm dứt Hợp đồng đã ký kết theo yêu cầu của bên bị bất lợi, chứ các bên không thể tự ý thay đổi nội dung đã được thỏa thuận trong Hợp đồng.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6386 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;