Chưa có điều luật để áp dụng, Tòa án vẫn phải giải quyết vụ việc dân sự

Đây là nội dung được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo khoản 2, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”

Quy định này cần thiết và có lợi cho người dân, đảm bảo công dân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, cụ thể hóa quy định Hiến pháp 2013 về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ thực thi, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Là căn cứ để Tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định, không để người dân tự xử lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Trên thực tế, việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lí do không có điều luật quy định là hợp lý và phù hợp với thực tiễn hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật. Các quan hệ xã hội ngày càng phát triển đa dạng và phức tạp, nhà làm luật không thể dự liệu hết các quan hệ xã hội phát sinh để điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật, dẫn đến trường hợp các cơ quan xét xử không có các cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của quy định trên cần phải quy định cơ chế như thế nào vì nếu không có quy định xem xét kỹ vấn đề thì lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo vệ nên có thể tạo nên điều kiện phát sinh tiêu cực.

Câu hỏi đặt ra là liệu Tòa án dựa vào cơ sở nào để xem xét, giải quyết vụ án, căn cứ vào đâu để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân khi không có cơ sở pháp lý. Trong thực tiễn xét xử có những vấn đề pháp luật quy định rất cụ thể nhưng mỗi người có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật khác nhau vì vậy tình trạng án sửa, án hủy vẫn còn tồn tại rất nhiều.

Giải quyết vấn đề trên Tòa án vận dụng các nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng, thông lệ quốc tế… để phán quyết, chấm dứt tranh chấp trong khi pháp luật chưa điều chỉnh. Để hạn chế thấp nhất những tiêu cực thì cần phải quy định cụ thể đơn vị nào có quyền thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành pháp luật.

Linh Trang

Theo vov.vn

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1987 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;