Bán hàng trên Facebook: Phạt nặng nếu phát hiện hàng giả

Hình thức bán hàng trên Facebook đang trở nên ngày càng phổ biển bởi tính tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. Tuy nhiên nhiều cá nhân lợi dụng điều này để bán hàng giả bởi chẳng ai kiểm chứng chất lượng hàng hóa cả. Và tất nhiên, hậu quả của hành vi này là mức phạt khủng nếu bị phát hiện.

bán hàng trên facebook

Bán hàng trên Facebook: Phạt nặng nếu phát hiện hàng giả (Ảnh minh họa)

Theo đó, chế tài xử phạt dành cho hành vi bán hàng giả trên Facebook là phạt hành chính với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng (có thể lên đến 100 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP). Thậm chí nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng thì người bán hàng giả có thể bị xử lý hình sự.

1. Bán hàng qua Facebook - tăng mạnh số tiền phạt nếu là hàng giả

Thông qua việc bán hàng trên Facebook, các đối tượng sẽ bán các món hàng "nhái" theo nhãn hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng. Khách hàng sẽ không thể phát hiện được hàng này là giả cho đến khi nhận hàng, lý do là vì các đối tượng làm giả nhãn hàng một cách rất tinh vi và khó phát hiện bằng mắt thường. Mãi cho đến khi người tiêu dùng trả tiền, nhận hàng xong rồi thì mới biết mình bị lừa, "tiền mất tật mang". Loại hàng giả nhãn mác kiểu này được quy định tại điểm e, khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể:

  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa

Khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt cho hành vi này tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hàng giả là mỹ phẩm - vốn được rất nhiều tài khoản bán hàng trên facebook đăng bán với tần suất dày đặc thì mức phạt sẽ được nhân đôi. Do đó, số tiền phạt cao nhất có thể lên đến 100.000.000 đồng. So với quy định tại Nghị định cũ, mức phạt mới đã mạnh hơn rất nhiều (mức tối thiểu tăng từ 200.000 đồng lên 2.000.000 đồng, mức tối đa tăng từ 60.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng). Tuy nhiên, liệu mức phạt này có đáng là gì so với lợi nhuận bất hợp pháp mà các đối tượng bán hàng giả thu được hay không?

2. Xử lý hình sự khi nào?

Các cá nhân bán hàng trên Facebook, nếu bị phát hiện mặt hàng đó "nhái" theo nhãn hiệu khác và hành vi rơi vào một trong các trường hợp sau đây thì sẽ bị phạt tiền phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017):

  • Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Theo đó, khi số tiền thu lợi bất chính đạt 50.000.000 đồng hoặc hành vi bán hàng nhái gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả". Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà mức hình phạt sẽ tăng theo. Nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ không áp dụng hình phạt tiền nữa mà sẽ bị phạt tù, mức án từ 05 năm đến 10 năm tù. Đặc biệt, nếu số tiền thu lợi bất chính vượt ngưỡng 500 triệu thì mức án phạt có thể lên tới 15 năm tù giam.

Như vậy, việc bán hàng trên Facebook tuy mang lại những lợi ích nhất định nhưng song song với đó là những mặt trái mà người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu, điển hình là chất lượng của hàng hóa. Trong “rừng” kênh kinh doanh, mua bán dạng này, hàng thật, hàng giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận và chịu không ít tổn thất khi mua hàng, công tác quản lý, kiểm soát cũng vô cùng khó khăn. Do đó, người tiêu dùng cần tham khảo nhiều ý kiến khác nhau và chọn mua hàng trên nền tảng có uy tín, thương hiệu rõ ràng.

Căn cứ pháp lý:

- Nghị định 98/2020/NĐ-CP

- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Nguyên Phú

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2570 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;