07 trường hợp công ty bảo hiểm không bồi thường thiệt hại do chủ xe gây ra

Cho tôi hỏi, trong trường hợp nào thì công ty bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chủ xe cơ giới gây ra? Đây là câu hỏi của anh Nguyễn Văn Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho Thư Ký Luật nhờ giải đáp ngày 16/5/2020.

Ảnh minh họa

Về vấn đề này của anh Minh, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:

Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2016/TT-BTC thì Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hay còn gọi là bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự duy nhất giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Theo đó, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm được quy định tại Thông tư 22 như sau:

- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Tuy nhiên, theo Điều 12 Thông tư 22 thì trong 07 trường hợp sau đây, công ty bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại do chủ xe cơ giới gây ra:

- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.

- Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

- Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

- Chiến tranh, khủng bố, động đất.

- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Xem thêm các nội dung liên quan tại: Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nguyễn Trinh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2180 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;