Hòa giải viên tại Tòa án phải từ chối hòa giải trong 05 trường hợp – Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 mới được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020.
- Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
- Không được bổ nhiệm cán bộ, công chức làm Hòa giải viên tại Tòa án
- 07 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án
05 trường hợp Hòa giải viên tại Tòa án phải từ chối hòa giải - Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì mỗi vụ việc do 01 Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại có thể do người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc hoặc do Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc tự mình chỉ định Hòa giải viên hoặc chỉ định theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu.
Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào Hòa giải viên được lựa chọn hoặc chỉ định cũng có thể tham gia tiến hành hòa giải, đối thoại mà trong các trường hợp sau đây, Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi:
1 - Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;
2 - Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;
3 - Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;
4 - Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
5 - Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
Đối với các trường hợp 1, 2 và 4, Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại phải thông báo lý do cho các bên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.
Các bên đề nghị thay đổi Hòa giải viên phải thông báo lý do cho Hòa giải viên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.
Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi mà các bên không thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác để tiến hành hòa giải, đối thoại và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.
Trường hợp các bên lựa chọn Hòa giải viên khác thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của các bên và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.
Trường hợp Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì phải thông báo cho Tòa án đó biết.
Nguyễn Trinh