04 phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng

Xin hỏi là đối với việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh thì được quy định thế nào? - Phi Như (TP.HCM)

04 phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng (Hình từ Internet)

1. 04 phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng

Tại Điều 30 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua:

- Thương lượng;

- Hòa giải;

- Trọng tài;

- Tòa án.

Lưu ý: Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

2. Phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng thông qua thương lượng

Tại Điều 31, Điều 31 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về phương thức thương lượng như sau:

- Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

*Kết quả thương lượng

Kết quả thương lượng thành của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng thông qua hòa giải

Căn cứ Điều 33, 35, 36, 37 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về hòa giải như sau:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức hòa giải để thực hiện việc hòa giải.

*Nguyên tắc thực hiện hòa giải

Tại Điều 34 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về nguyên tắc thực hiện hòa giải như sau:

- Bảo đảm khách quan, trung thực, thiện chí, không được ép buộc, lừa dối.

- Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải, các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

*Tổ chức hòa giải

Tại Điều 35 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về tổ chức hòa giải như sau:

Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được thành lập tổ chức hòa giải để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

*Biên bản hòa giải

Tại Điều 36 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định biên bản hòa giải phải có các nội dung chính sau đây:

- Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải;

- Các bên tham gia hòa giải;

- Nội dung hòa giải;

- Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải;

- Ý kiến của các bên tham gia hòa giải;

- Kết quả hòa giải;

- Thời hạn thực hiện kết quả hòa giải thành.

Lưu ý: Biên bản hòa giải phải có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và chữ ký xác nhận của tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải.

*Thực hiện kết quả hòa giải thành

Tại Điều 37 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về việc thực hiện kết quả hòa giải thành như sau:

Các bên có trách nhiệm thực hiện kết quả hòa giải thành trong thời hạn đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải; trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện thì bên kia có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Phương thức giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng thông qua trọng tài

*Hiệu lực của điều khoản trọng tài

Căn cứ Điều 38 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về hiệu lực của điều khoản trọng tài như sau:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.

*Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Tại Điều 39 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài như sau:

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

*Nghĩa vụ chứng minh

Căn cứ Điều 40 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về nghĩa vụ chứng minh như sau:

Nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

5. Giải quyết tranh chấp tại tòa án

*Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại Điều 41 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010  quy định về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

- Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật này.

- Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;

+ Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

+ Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

*Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại Điều 42 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

- Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

- Tòa án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

*Án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại Điều 43 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

– Án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

- Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án.

*Thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện

Tại Điều 44 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện như sau:

- Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Nội dung thông báo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 bao gồm:

+ Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện;

+ Nội dung khởi kiện;

+ Thủ tục và thời hạn đăng ký tham gia vụ án.

- Tòa án có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

*Thông báo bản án, quyết định của Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện

Tại Điều 45 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về việc thông báo bản án, quyết định của Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện như sau:

Bản án, quyết định của Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng bằng hình thức thích hợp.

*Tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng

Căn cứ Điều 46  Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng như sau:

Tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3877 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;