Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký ban hành Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo.
Theo đó, yêu cầu kỹ thuật đối với trang thiết bị và quy cách kê xếp thóc trong kho cơ giới được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc (Ký hiệu: QCVN 01 - 133: 2013/BNNPTNT) ban hành kèm theo Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT, cụ thể như sau:
Hình minh họa (nguồn internet)
Thứ nhất, về trang thiết bị chung
- Máy sấy thóc: phải có khả năng xử lý được độ ẩm của thóc đạt yêu cầu kỹ thuật, công suất sấy đáp ứng được năng lực của kho chứa. Các dạng máy sấy gồm:
+ Máy sấy dạng tháp.
+ Hệ thống (cụm) máy sấy tầng sôi kết hợp với sấy tháp.
+ Máy sấy vỉ ngang.
- Thiết bị vận chuyển phục vụ xuất, nhập kho.
- Thiết bị xử lý những sự cố bất lợi trong quá trình bảo quản.
- Thiết bị đo lường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật.
- Hệ thống chiếu sáng.
Thứ hai, yêu cầu kỹ thuật đối với trang thiết bị và quy cách kê xếp thóc trong kho cơ giới
Trang thiết bị đối với kho cơ giới phải được trang bị cụ thể như sau:
- Hệ thống cửa ra vào kho phải đặt ở nơi thuận tiện cho vận chuyển xuất, nhập kho và đi lại kiểm tra xử lý sự cố khi cần thiết. Cửa sổ phải có mái chìa hoặc vỉa chớp tránh mưa hắt; Cửa thông gió tự nhiên gồm hai lớp, lớp phía trong bằng lưới mắt cáo chống chim, chuột và lớp phía ngoài bằng kính hoặc chớp, đóng mở dễ dàng.
- Thiết bị bốc dỡ, vận chuyển, xuất nhập kho (gồm: băng tải, gầu tải, vít tải, xích tải, máy hút, máy nâng hạ) phải có công suất phù hợp với năng lực bốc, xếp hàng hóa của kho.
- Có bục kê chống ẩm (pallet).
- Thiết bị xử lý những sự cố bất lợi trong quá trình bảo quản gồm: thiết bị thông gió cưỡng bức (đủ công suất, đảm bảo thông thoáng, chống bụi, ẩm trong kho, đáp ứng được điều kiện yêu cầu kỹ thuật của kho bảo quản thóc); thiết bị xông hơi khử trùng (hoặc có biện pháp xông hơi khử trùng đối với lô sản phẩm khi cần thiết).
- Hệ thống chiếu sáng trong kho (bao gồm đèn điện, cửa kho lấy ánh sáng tự nhiên ngoài trời) phải đảm bảo đủ ánh sáng. Đèn chiếu sáng phải được che chắn an toàn để tránh bị vỡ và bảo đảm trong trường hợp vỡ, các mảnh vỡ không rơi vào sản phẩm.
- Thiết bị đo lường kiểm tra, giám sát bao gồm: nhiệt kế, ẩm kế; hệ thống cân phục vụ xuất, nhập kho; thiết bị phân tích, kiểm tra chất lượng thóc.
Quy cách kê xếp thóc trong kho cơ giới
- Đối với thóc bảo quản đổ rời: Độ cao khối hạt tối đa 3,5 m. Khối lượng một ngăn không vượt quá 500 tấn.
- Đối với thóc bảo quản ở dạng đóng bao: Các bao thóc (loại 50 kg/bao) được xếp ngay ngắn tạo thành lô, khối lượng mỗi lô từ 100 tấn đến 250 tấn. Cứ mỗi 6 lớp bao hoặc 7 lớp bao xếp lùi vào 0,3 m tạo thành một cấp. Trong mỗi lớp, các bao được xếp cài khoá vào nhau đảm bảo lô thóc không bị nghiêng, đổ trong quá trình bảo quản. (Đối với thóc bảo quản ở dạng đóng bao có kích thước lớn hơn 50 kg/bao, cách sắp xếp các bao thành lô phải đảm bảo không bị nghiêng, đổ trong quá trình bảo quản, khối lượng mỗi lô từ 100 tấn đến 250 tấn).
- Đảm bảo khoảng cách tối thiểu: giữa lô thóc và tường kho là 0,5 m, giữa đỉnh lô thóc với mái (hoặc trần) kho là 1,5 m và giữa các lô thóc với nhau là 1 m.
Xem thêm quy định khác tại Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ 06/8/2013.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |