Gần đây, mọi người đang xôn xao và truyền miệng nhau về việc từ năm 2020, sẽ xử phạt những người đi xe không chính chủ , kể cả đi xe mượn, xe thuê,... dẫn đến nhiều người hoang mang. Vậy thực chất có phải đây là quy định mới của Nghị định 100 hay không?
Ảnh minh họa
Toàn bộ mức phạt vi phạm mới đối với ô tô, xe máy từ 01/01/2020
Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT trả lời vấn đề này như sau:
Thực chất, quy định về xử phạt đối với lỗi xe không chính chủ không phải là quy định mới hoàn toàn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mà quy định này vốn dĩ đã có từ lâu tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, Khoản 1 và Khoản 5 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, mức xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.
Đến Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt đối với hành vi xe không chính chủ hay chính xác là hành vi không đăng ký sang tên xe tại Nghị định 46/2019/NĐ-CP tiếp tục được tái khẳng định nhưng với mức xử phạt cao hơn, cụ thể, Khoản 4 và Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100 quy định mức xử phạt đối với hành vi này như sau:
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
l) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.
Như vậy, có thể thấy, việc xử phạt đối với hành vi xe không chính chủ là quy định đã có từ năm 2016 chứ không phải đến năm 2020 mới có như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu mới thì chỉ là mới về mức tiền phạt, cụ thể, theo Nghị định 46 thì hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tối đa là 200.000 đồng đối với cá nhân, 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe máy và tối đa là 2000.000 đồng đối với cá nhân, 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, còn theo Nghị định 100 thì mức phạt này sẽ được nâng lên cao hơn, theo đó, mức phạt tối đa đối với chủ xe mô tô, xe máy là 600.000 đồng nếu là cá nhân, 1.200.000 đồng nếu là tổ chức và mức phạt tối đa đối với chủ xe ô tô sẽ là 4.000.000 đồng nếu là cá nhân, 8.000.000 đồng nếu là tổ chức.
Lưu ý, quy định về xử phạt lỗi xe không chính chủ tại Nghị định 46 và Nghị định 100 chỉ áp dụng đối với chủ chủ xe mô tô, xe máy, xe ô tô và các loại xe tương tự, tức phải là chủ sở hữu của phương tiện, những người không phải là chủ sở hữu phương tiện thì không thuộc phạm vi điều chỉnh, không phải là đối tượng xử lý của quy định này. Theo đó, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn hoặc sử dụng chung phương tiện với người thân trong gia đình để tham gia giao thông sẽ không bị xem xét, xử lý về hành vi xe không chính chủ.
Ngoài ra, việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm lỗi xe không chính chủ của chủ phương tiện chỉ được thực hiện khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT đề thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông. Lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm này.
Nguyễn Trinh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |