Việt kiều Mỹ được giữ quốc tịch khi sinh sống tại Việt Nam

Theo Luật Quốc tịch 2009 được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì Việt kiều Mỹ khi về sinh sống tại Việt Nam vẫn được giữ quốc tịch của mình. Một vấn đề làm nhiều Việt kiều Mỹ cảm thấy lo lắng khi muốn quay về Việt Nam sinh sống và làm việc đó là không biết có được giữ quốc tịch của mình hay không?

Dưới đây là một số nội dung được quy định trong Luật Quốc tịch 2009 được sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về vấn đề Việt kiều Mỹ sinh sống tại Việt Nam có được giữ quốc tịch hay không.

Thứ nhất: Đối với trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam

Theo Luật Quốc tịch 2009 sửa đổi bổ sung 2014, Điều 23. Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam:

1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

2. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

3. Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

4. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam

Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam:

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.

Đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nếu xuất trình được các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam (Giấy khai sinh; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam…), thì là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Trường hợp cần tra cứu về quốc tịch bạn liên hệ Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để được hướng dẫn.

Tuỳ mục đích sử dụng, mỗi loại hộ chiếu sẽ có tác dụng hữu ích riêng

Một trong những vấn đề cần lưu ý là việc sử dụng hai hoặc nhiều hộ chiếu như thế nào cho đúng và thuận tiện khi đi lại giữa các nước:

• Bắt buộc phải sử dụng hộ chiếu của nước bạn hiện có quốc tịch để ra và vào nước đó. Ví dụ: Bạn có quốc tịnh Mỹ và Việt Nam. Khi ra khỏi Mỹ phải sử dụng hộ chiếu Mỹ, khi vào Việt Nam phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam và ngược lại khi về. Tuy nhiên, khi check-in các hãng hàng không, bạn phải xuất trình cả hai hộ chiếu để chứng minh không cần visa cho nước sẽ bay đến.

• Không bao giờ xin visa để vào nước bạn đang giữ quốc tịch. Công dân của một nước không bao giờ cần visa để ra vào nước của mình. Ví dụ bạn có thể gặp trường hợp nhân viên của đại lý du lịch không nắm thông tin yêu cầu bạn dán visa vào hộ chiếu Mỹ khi mua vé máy bay đi Việt Nam trong khi bạn có cả hai quốc tịch này.

• Khi đến nước thứ 3, tùy theo chính sách quản lý cửa khẩu nước này, bạn linh họat sử dụng những hộ chiếu của mình sao cho phù hợp và tiết kiệm. Ví dụ: Bạn nên sử dụng hộ chiếu Úc để vào Nhật vì không cần visa, trong khi hộ chiếu Việt Nam thì cần visa. Hoặc nên sử dụng hộ chiếu Việt Nam để vào Indonesia vì miễn visa, trong khi hộ chiếu Úc thì không. Do vậy, không phải lúc nào hộ chiếu Mỹ, Australia, Anh… cũng thuận tiện và tốt hơn. Hộ chiếu Việt Nam khá thuận lợi khi đi lại giữa các nước trong ASEAN.

• Nên mang theo tất cả hộ chiếu khi du lịch hoặc công tác đến bất cứ nước nào đó. Nó giúp bạn có được sự trợ giúp từ tất cả các đại sứ hoặc lãnh sứ quán của mình khi có yêu cầu hoặc trong các trường hợp bất khả kháng.

Nguồn: g-i-s.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1579 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;