Vay và mượn là hai khái niệm dễ nhầm lẫn trong giao dịch dân sự.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp phải các giao dịch dân sự đơn thuần như vay tiền, mượn tiền hoặc vay gạo, mượn gạo. Thực tế theo lối nói thông thường, người dân quen dùng từ "mượn" hơn. Về bản chất pháp lý "mượn" và "vay" là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 thì:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đối với hợp đồng vay tài sản khi xác lập sẽ chuyển toàn bộ quyền sở hữu tài sản (bao gồm cả quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt) từ bên cho vay sang bên vay. Sau đó khi đến hạn trả, bên vay tài sản sẽ hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng.
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Còn hợp đồng mượn tài sản khi xác lập không chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho mượn sang bên mượn, mà chỉ chuyển giao quyền sử dụng tài sản. Sau đó bên mượn sẽ phải hoàn trả lại đúng tài sản đã mượn cho bên cho mượn.
Như vậy đối với tài sản là tiền hoặc gạo thì khi xác lập giao dịch sẽ là hợp đồng vay tài sản vì khi hoàn trả sẽ hoàn trả tài sản cùng loại, cùng giá trị chứ không phải chính tài sản đã vay trước đó.
Do đó, chúng ta phải phân biệt rõ ràng hình thức giao dịch để tránh nhầm lẫn.
Những văn bản có liên quan:
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |