Ưu đãi thuế là gì?

Thuế được coi là khoản thu quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy cho nền kinh tế quốc gia phát triển. Pháp luật Việt Nam quy định đóng thuế vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ phải thực hiện của mỗi công dân. Bên cạnh việc đưa ra các sắc thuế, khoản thuế buộc phải nộp thì Nhà nước ta cũng có nhiều chính sách ưu đãi thuế cho từng đối tượng nộp thuế.

 

Ưu đãi thuế được hiểu là việc Nhà nước tạo ra một số điều kiện nhất định cho các đối tượng nộp thuế (doanh nghiệp) thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế, thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Có nhiều hình thức ưu đãi thuế như:

Thuế suất ưu đãi:

Là việc Nhà nước đưa ra thuế suất thấp hơn thuế suất tiêu chuẩn chung và áp dụng đối với các ngành, nghề hoặc các khu vực được lựa chọn ưu đãi.

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, nhưng đối với những doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dung thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm đầu.

Ưu đãi về thời gian miễn thuế:

Nhà nước sẽ đưa ra quy định miễn thuế cho một số đối tượng nộp thuế  trong một khoảng thời gian nhất định.

Giảm thuế: Nhà nước sẽ đưa ra nhiều cách giảm thuế như:

  • Giảm thuế (giảm 50% số thuế phải nộp) cho một số đối tượng nộp thuế trong một khoảng thời gian nhất định; 
  • Doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
  • Doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động nữ.
  • Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Khấu hao nhanh:

Nhà nước cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất hợp lý được tính trừ cao hơn mức khấu hao cho phép theo lịch trình thông thường, như vậy số thuế phải nộp được trì hoãn đẩy lùi về những kỳ nộp thuế sau nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đẩy nhanh tốc độ thay thế tài sản vốn. 

Khấu trừ thuế: 

Thông qua việc quy định cho phép doanh nghiệp thực hiện đầu tư được khấu trừ bổ sung một tỷ lệ nhất định tính trên giá trị đầu tư vào chi phí trước khi tính thuế hoặc vào số thuế phải nộp nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải thực hiện với nhà nước. Khấu trừ thuế được xác định theo tỷ lệ tương ứng với giá trị đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư - hình thức này cho hưởng ưu đãi theo hoạt động đầu tư thực tế.

Chuyển lỗ:

Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. 

 

Tuy nhiên, người nộp thuế muốn được hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như:

  • Doanh nghiệp phải thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai;
  • Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

6912 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;