Tuần đường phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ từ 01/01/2025

Tuần đường phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ từ 01/01/2025
Quế Anh

Dưới đây là quy định về tuần đường phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ từ 01/01/2025.

Tuần đường phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 41/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tuần đường phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ từ 01/01/2025

Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường bộ đang khai thác, hoặc tổ chức, cá nhân được giao thực hiện công tác này có trách nhiệm tổ chức thực hiện tuần đường để:

(1) Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ:

- Phát hiện, ngăn chặn kịp thời tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, đấu nối trái phép vào đường bộ, xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị, xây dựng công trình hạ tầng, công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trái quy định;

- Phối hợp với người thực hiện công tác tuần kiểm được quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT lập biên bản xác nhận các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Tổng hợp tình hình vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, kết quả xử lý, khắc phục vi phạm kết cấu hạ tầng đường bộ, công tác giải tỏa vi phạm và cưỡng chế của chính quyền địa phương và đề xuất người quản lý, sử dụng đường bộ xử lý.

(2) Kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ:

- Phát hiện kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, thiết bị lắp đặt vào công trình kết cấu hạ tầng đường bộ; kiểm tra, theo dõi tình trạng hoạt động của hạng mục, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình;

- Khắc phục kịp thời các hư hỏng gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình theo quy định của tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và quy định của hợp đồng;

- Lắp đặt báo hiệu đường bộ tạm thời, thực hiện các biện pháp cảnh báo và các công việc cần thiết khác đối với đoạn đường bị hư hỏng, ngập nước và các trường hợp khác không bảo đảm an toàn giao thông để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông;

- Thông báo kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu không bảo đảm an toàn khai thác sử dụng cho người quản lý, sử dụng đường bộ, người tham gia giao thông. Trường hợp cần thiết thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến để phục vụ điều khiển giao thông.

(3) Thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông:

- Thông báo ngay khi có vụ tai nạn cho: lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, cơ quan công an và chính quyền địa phương nơi gần nhất; tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ giao thông; người quản lý, sử dụng đường bộ;

- Tham gia xử lý khi có ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; hướng dẫn tạm thời giao thông trong trường hợp cần thiết khi chưa có cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ;

- Bảo vệ hiện trường, đánh giá thiệt hại kết cấu hạ tầng đường bộ đối với trường hợp vụ tai nạn làm gãy, hỏng hộ lan, lan can cầu, cột tiêu, biển báo, làm hư hỏng cầu và các trường hợp gây thiệt hại kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu người điều khiển phương tiện ở lại hiện trường; thông báo cho người quản lý, sử dụng đường bộ; phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến lập biên bản xác nhận thiệt hại làm căn cứ yêu cầu thực hiện bồi thường;

- Hàng tháng, quý, năm tổng hợp số vụ tai nạn giao thông đường bộ theo ba tiêu chí (số vụ tai nạn, số người tử vong và số người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ), lý trình, vị trí tai nạn giao thông đường bộ; báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ;

- Phát hiện các tồn tại trong tổ chức giao thông, điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; đề xuất người quản lý, sử dụng đường bộ xử lý.

(4) Việc ghi nhật ký tuần đường theo quy định tại mục I Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 41/2024/TT-BGTVT; bảo quản, bàn giao nhật ký tuần đường cho người quản lý, sử dụng đường bộ khi hết thời hạn hợp đồng hoặc kết thúc nhiệm vụ được giao thực hiện bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.

(5) Chiều dài và số lượt tuần đường phụ thuộc vào quy mô, cấp kỹ thuật của đường bộ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ, thời tiết các mùa trong năm và phải được quy định trong hợp đồng để nhà thầu bảo dưỡng công trình đường bộ thực hiện. Chiều dài tuần đường quy định tại phần III, mục I Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 41/2024/TT-BGTVT.

(6) Các trường hợp không bảo đảm an toàn hoặc thực hiện các công việc cấp bách thì tạm thời không phải thực hiện tuần đường, bao gồm:

- Vị trí, hạng mục công trình xảy ra sự cố nghiêm trọng, gây hư hỏng, tắc đường và các trường hợp khác mà nhân viên tuần đường không thể di chuyển an toàn để thực hiện nhiệm vụ;

- Người tuần đường đang tham gia cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông, tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai, tham gia giải quyết, khắc phục sự cố công trình, sự cố cháy, nổ và các trường hợp bất khả kháng khác.

Xem thêm tại Thông tư 41/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Bài viết
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;